Tuyên chiến với chất cấm trong chăn nuôi
Cập nhật ngày: 26/11/2015 08:26:15
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM, tại buổi họp báo về quản lý an toàn thực phẩm do sở này phối hợp với Sở Công thương và Sở Y tế tổ chức ngày 24-11.
Vi phạm chất cấm giảm hẳn
Trả lời phóng viên Báo SGGP về việc phát hiện chất cấm trong chăn nuôi sau khi báo chí lên tiếng và Bộ NN-PTNT cũng như TPHCM quyết liệt ngăn chặn, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết các mẫu kiểm tra sản phẩm động vật trên thị trường có chất cấm (nhóm beta-Agonist) trong thời gian gần đây đã giảm hẳn. Trong 9 tháng đầu năm, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm như Salbutamol, Clenbuterol… trong chăn nuôi heo dao động từ 18% - 22% trên tổng số mẫu. Nhưng từ ngày 15-11-2015 đến nay, Chi cục Thú y lấy 119 mẫu trong 31 lô hàng từ 8 tỉnh (Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Bình Thuận) và TPHCM (huyện Củ Chi) kiểm tra đều không phát hiện tình trạng vi phạm như trước đó. Ngay cả các thương lái mua heo hiện nay cũng tự trang bị test kiểm tra nhanh, nếu phát hiện dương tính là từ chối mua. Có thể nói, đang có sự chuyển biến trong nhận thức của người chăn nuôi và thương lái về vấn đề này.
Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo vận chuyển từ các lò giết mổ trước khi đưa vào chợ Ảnh: Cao Thăng
Theo Sở NN-PTNT, từ năm 2013 đến nay có 16 sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, 72 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện với tổng sản lượng hơn 37.400 tấn/năm, gồm rau quả, thịt heo, thịt gà, trứng gà, trà, thủy sản và nước mắm. Đã có 711 tổ chức, cá nhân sản xuất rau được chứng nhận VietGAP với hơn 346ha, tương đương gần 1,8 triệu ha gieo trồng với sản lượng hơn 40.400 tấn/năm. Với VietGAP trên heo, dự án Lifsap cấp giấy chứng nhận 742 hộ nuôi với 45.000 con heo, cung ứng bình quân ra thị trường khoảng 300 con/ngày. Công ty An Hạ bao tiêu toàn bộ sản phẩm thịt heo VietGAP đã có 4 điểm bán tại chợ Hòa Bình (quận 5), chợ Tân Định (quận 1), chợ Bà Điểm (Hóc Môn), cửa hàng sản phẩm nông nghiệp (176 Hai Bà Trưng, quận 1).
Về nguồn cung rau quả an toàn cho TPHCM, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết chính quyền TPHCM đã tổ chức đi khảo sát và ký kết với các tỉnh về việc sản xuất rau quả an toàn cung cấp cho thành phố, nhất là vào cao điểm tết sắp tới. Nguồn rau quả an toàn hiện đã theo các hệ thống phân phối vào các siêu thị; hiện siêu thị đã có khu vực bán rau VietGAP riêng và khu bán rau an toàn. Sau siêu thị, Sở Công thương cũng đang thúc đẩy việc kết nối sản phẩm an toàn từ nơi sản xuất đến các chợ.
Củng cố niềm tin người tiêu dùng
Xung quanh vấn đề “nóng” - an toàn thực phẩm (ATTP) cho bữa ăn hàng ngày của người dân, chính quyền TPHCM đã và sẽ tăng cường liên tục khâu kiểm tra, mở các đợt cao điểm kiểm tra từ nay đến Tết Bính Thân 2016. Ngành nông nghiệp phối hợp với công an các địa phương tập trung kiểm tra, giám sát từ nơi sản xuất, chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh và cả cơ sở buôn bán; truy tìm đường dây cung cấp chất cấm, đồng thời công khai trên phương tiện truyền thông để ngăn ngừa tận gốc những trường hợp này. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, Chính phủ cho phép Hà Nội và TPHCM thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành vệ sinh ATTP cấp quận - huyện, phường - xã, vì vậy cần tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp cơ sở. Khuyến khích việc kết nối giữa sản xuất với nơi bán và công bố cho người tiêu dùng biết. Thành phố sẽ tổ chức các hội chợ về thực phẩm an toàn, có chứng nhận rõ ràng để củng cố niềm tin cho người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, thành phố có kế hoạch giải quyết dứt điểm việc vận chuyển, lưu thông và buôn bán chất cấm. Bên cạnh chọn 5 quận - huyện và 12 phường - xã thí điểm thực hiện thanh tra cấp cơ sở, thành phố cũng khuyến khích địa phương nào có điều kiện thì cứ tiến hành.
Trả lời câu hỏi của Báo SGGP vì sao chưa xử lý nghiêm bằng cách tiêu hủy để răn đe các trường hợp vi phạm, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết việc xử lý vi phạm trong chăn nuôi, nhất là trường hợp sử dụng chất cấm, theo Thông tư 57 của Bộ NN-PTNT hiện nay quy định: hoặc là tiêu hủy hoặc cho phép giữ lại trong 15 ngày để hết tồn dư chất cấm (sau khi kiểm tra lại) mới cho xuất chuồng. Vì vậy, người vi phạm đều chọn giải pháp giữ lại. Nhưng việc cho phép giữ lại như vừa qua lại phát sinh tình huống mới. Vừa qua, Chi cục Thú y thành phố phát hiện lô heo vi phạm tại lò giết mổ nên giữ lại cách ly. Nhưng sau đó xảy ra bệnh lở mồm long móng, làm lây lan chéo toàn bộ đàn heo. Lò giết mổ vì vậy không đồng ý cho giữ lại khi phát hiện có chất cấm, điều này gây khó khăn cho thú y khi thực hiện. Ngoài ra, việc xử lý các trường hợp vi phạm chất cấm nhóm beta Agonist còn gặp lúng túng do Thông tư 57 của Bộ NN-PTNT chưa rõ ràng, dù cấm không cho sử dụng, nhưng vẫn quy định ngưỡng cho phép về chất cấm với kết quả kiểm định. Theo Cục Chăn nuôi, đây là quy định cho Phòng Phân tích đề phòng có sai số giữa các nơi, nhưng do không quy định rõ nên những người cố tình vi phạm lại hiểu theo hướng cho phép sử dụng nhưng không vượt ngưỡng!
Tương tự, khi Chi cục Bảo vệ thực vật test nhanh các mẫu rau tại chợ đầu mối, nếu dương tính (có dấu hiệu vi phạm về tồn dư hóa chất nào đó) vẫn không được phép giữ lại toàn bộ lô hàng. Chỉ khi kiểm tra định lượng cũng cho kết quả tương tự thì mới được giữ lại, nhưng kết quả phân tích này lại kéo dài 7 đến 10 ngày, khi đó lô hàng đó đã bán hết cho người tiêu dùng! Vì vậy, khi phát hiện chỉ là xử phạt hành chính và thông báo cho tỉnh, thành có lô hàng vi phạm biết. Đây là khoảng hở dễ bị lợi dụng và gây khó khăn cho người thực hiện.
Vấn đề vệ sinh ATTP đã được TPHCM thực hiện từ hơn 10 năm trước. Khi còn giết mổ nằm (để gia súc trên sàn nhà), TPHCM đã chủ trương giết mổ treo (treo gia súc lên) để hạn chế lây nhiễm. Ngay sau khi dịch cúm gia cầm lần đầu bộc phát, đầu năm 2004, TPHCM tổ chức lại việc chăn nuôi, sắp xếp việc giết mổ tập trung gia súc và gia cầm. Xe gia súc, gia cầm vận chuyển từ các tỉnh vào khai báo tại trạm vận chuyển đến lò giết mổ nào, và chỉ được vận chuyển theo những con đường quy định trước. Khi giết mổ xong phải được vận chuyển trên xe chuyên dùng. Trước đó, giữa thập niên 1990, TPHCM đã sản xuất rau an toàn. Những cách làm này sau đó đều được Bộ NN-PTNT chỉ đạo nhân rộng thực hiện tại các tỉnh.
Công Phiên/SGGP