Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc: Nhà nông gặp khó
Cập nhật ngày: 08/07/2014 08:52:25
Cứ vào chính vụ, các mặt hàng rau củ, thanh long, vải, liên tiếp rớt giá khiến người nông dân điêu đứng.
Thanh long xuất sang Trung Quốc chiếm tới 65% sản lượng toàn tỉnh Bình Thuận (Ảnh: KT)
Là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều mặt hàng có giá trị hàng tỷ USD mỗi năm, nhưng nông dân nước ta luôn phải đối mặt với sự bấp bênh của đầu ra sản phẩm.
Cứ vào chính vụ, các mặt hàng rau củ, thanh long, vải, liên tiếp rớt giá khiến người nông dân điêu đứng. Sự lệ thuộc quá mức vào một thị trường dễ tính nhưng đầy rủi ro như thị trường Trung Quốc đang khiến ngành sản xuất trái cây của chúng ta gặp khó khăn.
Hiện đã là cuối mùa vải năm nay, song tại thị trường Hà Nội những ngày này vẫn thấy đầy rẫy những xe chở vải thiều. Vải bán ra Hà Nội chủ yếu từ Thanh Hà, Hải Dương và Lục Ngạn, Bắc Giang. Mặc dù chất lượng vải được cải thiện nhiều so với trước đây song giá bán luôn không ổn định.
Nếu như năm ngoái, vải thiều loại 1 xuất sang Trung Quốc có thời điểm lên tới 30.000 đồng/kg, thì năm nay, giá vải Lục Ngạn xuất khẩu loại 1 chỉ từ 17.000 – 24.000 đồng/kg, vải loại 2 chở vào Nam bán thì có giá rẻ hơn rất nhiều.
Theo anh Nguyễn Văn Phong, chủ điểm thu mua vải thiều ở thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang, năm nay vải được mùa, tuy không lâm vào tình trạng mất giá mạnh như những năm trước, nhưng đến gần cuối vụ mà nhiều vườn vải vẫn chưa thu hái xong. Từ nay đến cuối vụ, khi các nhà vải thu hoạch xong, giá vải có khả năng sẽ còn thấp hơn.
Không chỉ có vải, thanh long xuất khẩu giá cả cũng bấp bênh. Nếu như đầu tháng 5, giá thanh long Bình Thuận được thương lái thu mua ở mức cao từ 15.000 – 30.000 đồng/kg, thì hiện nay chỉ còn 5.000 – 9.000 đồng/kg.
Ông Ngô Xuân Nghiêm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ thanh long hữu cơ Phú Hộ, thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long rớt giá có nhiều lý do như vào chính vụ, trái không đẹp, hoặc bị nấm trắng. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính là thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc lại đang gặp khó khăn.
“Sản lượng thanh long xuất khẩu sang các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng cao như châu Âu, Mỹ rất ít; trong khi đó sản lượng xuất sang Trung Quốc thì chiếm tới 65% sản lượng của toàn tỉnh. Đây là trở ngại rất lớn đối với sản phẩm nông sản chính của Bình Thuận.”, ông Nghiêm cho biết.
Có thể thấy, nhiều loại trái cây của Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm nào cũng bị ứ đọng, có khi thối hỏng trước khi qua cửa khẩu. Theo số liệu thống kê, trong năm 2013, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều vải thiều và thanh long Việt Nam nhất, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này.
Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đang quá phụ thuộc vào những thị trường dễ tính, không đòi hỏi khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm như Trung Quốc?
Tuy nhiên, để đưa thanh long Việt Nam vào thị trường khó tính như Mỹ thì thanh long buộc phải qua chiếu xa, còn đưa vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc phải qua thanh trùng bằng hơi nước. Đối với vải, do có độ thoát nước lớn, nếu không qua xử lý thanh trùng, bảo quản ở nhiệt độ thích hợp khoảng 5 độ C và khử hết sâu đục cuống thì rất khó đem đi xuất khẩu.
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến thương mại Nông Lâm Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng những tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe như vậy, cần phải có những doanh nghiệp xuất khẩu được đầu tư lớn về vốn, khoa học công nghệ và am hiểu thị trường. Những doanh nghiệp như vậy chúng ta lại đang thiếu.
“Cần phải có sự liên kết giữa quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối để tránh xảy ra tình trạng ứ đọng khi vào chính vụ. Ngoài ra, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ trong việc bảo quản nông sản”, ông Hòa nhận định.
Có thể thấy những nhà sản xuất nông sản nói chung và trái cây nói riêng đang bỏ qua nhu cầu thị trường. Mỗi vụ trái cây được mùa là mỗi lần người trồng càng điêu đứng với giá bán rẻ như cho. Do không có định hướng quy hoạch cụ thể và thiếu ứng dụng khoa học công nghệ, những người nông dân vẫn “mạnh ai nấy trồng” và sản phẩm đầu ra đều nhắm đến một thị trường chung và dễ tính là Trung Quốc. Khi thị trường này ách tắc, thương lái ngừng thu mua thì người chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn là nông dân.
Để cây ăn quả trở thành hàng hóa thực sự, cái khó khăn nhất phải tạo được thị trường cho cây ăn quả. Và để hình thành thị trường tiêu thụ thực sự, cần phải có sự liên kết tổ chức sản xuất rất chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ tươi sản phẩm.
VOV