Làm gì để dễ trúng tuyển?
Cập nhật ngày: 23/07/2016 05:50:06
Để tăng cơ hội trúng tuyển ĐH và CĐ, thí sinh nên chọn tổ hợp điểm cao nhất rồi nộp hồ sơ vào ngành yêu thích.
Những phương án xét tuyển thuận lợi hơn cho thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH, CĐ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra trong mùa tuyển sinh 2016. Năm nay, TS có thể ĐKXT vào từng trường riêng hoặc theo nhóm trường.
Lựa chọn nhiều cách nộp hồ sơ
Trong xét tuyển đợt 1, TS được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa là 2 ngành (nhóm ngành) theo số thứ tự ưu tiên được xếp từ 1 đến 2. Trong đợt xét tuyển bổ sung, TS được đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa là 2 ngành (nhóm ngành) theo số thứ tự ưu tiên được xếp từ 1 đến 2.
Để ĐKXT, TS không cần nộp hồ sơ với đầy đủ giấy tờ ĐKXT như năm trước mà chỉ điền thông tin vào phiếu ĐKXT và nộp về các trường mà mình muốn học bằng hình thức đăng ký trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hay bằng một phương thức khác do từng trường quy định.
Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý năm nay, TS có thể ĐKXT vào từng trường hoặc theo nhóm trường nên sẽ có loại phiếu ĐKXT gồm phiếu đơn lẻ và theo nhóm. Với phiếu ĐKXT đơn lẻ (mẫu của Bộ GD-ĐT), TS chỉ đăng ký 1 trường với tối đa là 2 ngành xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Nếu muốn đăng ký trường thứ hai, TS phải đăng ký thêm vào một phiếu khác. Khi gửi qua đường bưu điện, TS phải gửi 2 bưu kiện khác nhau để tránh thất lạc. Trong phiếu ĐKXT đơn lẻ có mã trường thứ hai nhưng không có các nguyện vọng - chỉ là thông tin để trường mà TS đăng ký tham khảo.
Với phiếu ĐKXT theo nhóm (mẫu quy định của nhóm trường tuyển sinh theo nhóm), TS cần lưu ý là có thể đăng ký tối đa 4 trường trong nhóm. Khi đó, tất cả trường trong nhóm phải bắt buộc khai chung trong một phiếu ĐKXT và xếp thứ tự ưu tiên các ngành từ 1 đến 4. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong trường hợp TS đăng ký 1 trường trong nhóm, 1 trường ngoài nhóm thì bắt buộc phải điền 2 phiếu (nếu chọn 2 trường trong nhóm sẽ không được chọn thêm trường ngoài nhóm).
Nắm rõ thông tin
Ở mỗi đợt xét tuyển, sau khi ĐKXT, TS không được điều chỉnh nguyện vọng của mình. Vì vậy, cần lưu ý thật kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Với quy định được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng, lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh là TS nên chọn ngành, trường mà mình yêu thích thay vì tìm mọi cách chỉ để trúng tuyển. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lưu ý trong quá trình xét tuyển, việc đầu tiên là TS phải xác định được ngành nghề mình yêu thích bởi nếu khi vào trường mình không thích, sau này thấy không phù hợp thì TS có thể nản chí dẫn đến lãng phí thời gian và công sức. “Năm nay, không được phép rút hồ sơ đã nộp. Vì vậy, trước hết TS nên chọn ngành mình yêu thích, sau đó theo dõi các thông tin liên quan đến chỉ tiêu, điểm, tổ hợp môn xét tuyển. Nên chọn một ngành giống nhau ở 2 trường để có cơ hội trúng tuyển nhiều trường khác với điểm chuẩn thấp hơn, phù hợp điểm thi của mình” - một chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tư vấn.
Theo ông Trần Khắc Thạc, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, trên phiếu xét tuyển, mỗi ngành vào 1 trường chỉ được ghi 1 tổ hợp môn nên các TS chỉ được dùng 1 tổ hợp để đăng ký vào 1 ngành. “TS nên chọn tổ hợp nào có điểm cao nhất để có cơ hội trúng tuyển cao, đồng thời phải nắm rõ thông tin về chỉ tiêu của từng tổ hợp, từng ngành và điểm chuẩn của năm trước để xem mình có phù hợp và khả năng trúng tuyển cao hay không” - ông Thạc nói.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết năm nay không được rút hồ sơ trong thời gian xét tuyển đợt 1 nên TS cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ xem ngành học đó có phù hợp với sở trường của mình không và tham khảo điểm trúng tuyển vào trường năm 2015 để dự đoán khả năng trúng tuyển. “Nếu điểm của TS bằng điểm chuẩn của năm 2015 vào ngành học, trường học mà mình đăng ký thì khả năng trúng tuyển rất cao. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến điểm chuẩn có ngành bằng và có ngành thấp hơn năm trước” - ông Điền thông tin.
Nộp đơn phúc khảo trước ngày 31/7
TS có nguyện vọng phúc khảo lại bài thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ nộp đơn tại điểm nhận đăng ký dự thi trước ngày 31/7. Sở GD-ĐT sẽ tập hợp và chuyển danh sách đề nghị phúc khảo cho hội đồng thi trước ngày 31/7, hoàn thành chấm phúc khảo và cập nhật dữ liệu lên hệ thống trước ngày 8/8.
TS có bài thi sau khi phúc khảo có điểm lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 trở lên sẽ được điều chỉnh điểm. Riêng môn ngoại ngữ, khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 10% điểm phần viết trở lên thì điểm phúc khảo là điểm mới của phần viết.
|
D.Út (Yến Anh/NLĐO)