Điệu hò sông nước miền Tây

Cập nhật ngày: 07/01/2017 06:45:44

Kỳ 2: Nhặt từng câu hò trên Đất sen hồng

Từ năm 1954, khi bộ đội và các đoàn văn công tập kết ra Bắc thì điệu hò Đồng Tháp cũng phai nhạt và mất dần. Nhưng trong sâu thẳm đáy lòng của những người con của Đất Sen hồng xa xứ vẫn rất yêu, rất nhớ điệu hò quê hương.

Bài liên quan: Kỳ 1: 4 giờ sáng thức dậy chờ nghe hò

56 năm sau kể từ ngày rời xa quê, vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lý đã trở về tìm kiếm, nhặt nhạnh từng câu hò rồi truyền dạy cho người trẻ với mong muốn hò Đồng Tháp mãi trường tồn.

Nước ngoài biết, sao dân mình không biết?

Chúng tôi ngồi hàn huyên với vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lý trong căn gác chật hẹp trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM. Giới văn nghệ sĩ đều biết ông là cây đa, cây đề trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, đặc biệt là các bài lý như: Lý qua cầu, Lý trăng soi, Lý chim xanh... Khi chúng tôi nhắc đến hò Đồng Tháp thì mắt ông sáng lên, rồi cao hứng ngân nga những câu hò nghe mát ruột, mát gan. Những câu hò ấy đã chảy trong huyết quản, in vào trong não của ông bởi từ ngày được sinh ra đời thì đã nghe hò. Ông lớn lên cũng nhờ điệu hò trên mênh mông sóng nước vùng nước lũ Hồng Ngự (Đồng Tháp).


Nhạc sĩ Cao Văn Lý say sưa nói về hò Đồng Tháp

Nhạc sĩ Cao Văn Lý kể vào một ngày sau Tết năm 2007, ông đi dự họp mặt Hội đồng hương tỉnh Đồng Tháp tại TP.HCM và ngồi cạnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp lúc bấy giờ là ông Lê Minh Hoan (nay ông là Bí thư Tỉnh ủy). Đang ngồi nói chuyện trên trời dưới biển, bất chợt ông Minh Hoan kể: “Bữa rồi có một đoàn khách Thụy Sĩ đến đề nghị được nghiên cứu và ghi âm điệu hò Đồng Tháp. Nhưng tôi chưa biết điệu hò này ra sao, cũng không có tư liệu gì cung cấp cho họ nên đành hẹn khi khác”. Ông Lý bắt ngay chuyện này: “Tôi cũng muốn về quê đi sưu tầm hò Đồng Tháp đây. Giờ mà không làm mai mốt già, chết thì thế hệ sau này không biết gì về hò của quê mình thì có lỗi với tổ tiên lắm”. Ông Minh Hoan như mở cờ trong bụng: “Vậy thì hay quá. Anh ráng thu xếp về làm chuyện này đi. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa”.

Ông Lý bảo có hai lý do khiến ông quyết định trở về quê cha đất tổ sưu tầm, nghiên cứu hò Đồng Tháp: Một là người nước ngoài còn biết và yêu thích điệu hò này nên họ mới tìm đến tận nơi để tìm hiểu, còn người dân ở Đồng Tháp lại không biết. Hai là một vị lãnh đạo tỉnh lại quan tâm đặc biệt đến chuyện hát hò - vốn chỉ là chuyện nhỏ trong vô số chuyện quan trọng của địa phương - đã khiến ông xúc động và thấy cần làm gì đó cho quê nhà.

Sau khi chuẩn bị xong đề cương, tháng 6/2010, vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lý chính thức bắt tay vào dự án này. Họ đã đi hết 12 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Đồng Tháp, “lùng sục” tìm gặp hết những nghệ nhân còn sống với mong muốn nghe một người hò một câu hoặc nhớ chút gì đó về hò để ghi âm lại làm tư liệu cũng hạnh phúc rồi. Thế nhưng mọi chuyện không dễ dàng như hình dung của ông Lý. Rất nhiều chuyến đi xuống vùng nông thôn, hết đi xe lại xuống đò rồi cuốc bộ hết sức vất vả nhưng không thu được câu hò nào, lại phải đi về rồi mò mẫm đi tìm tiếp. Ông kể: “Đúng là thế hệ sau này không biết gì về hò Đồng Tháp. Những người tôi gặp trẻ nhất cũng 63, lớn nhất là trên 90 tuổi. Đa số không hò được nữa, có người thì chỉ nhớ mang máng giai điệu hay câu từ. Đến đâu tôi cũng hò trước để nhắc cho họ nhớ. Có người bảo nếu ngày xưa nghe người nào đó cất giọng hò thì họ đã hò đáp lại: “Câu hò tui đựng một nia. Chị em nào thích tui chia cho hò”. Còn bây giờ thì: “Câu hò tui đựng một khạp da bò. Tui quên đậy nắp, nó bò hết trơn”. Mọi người cùng phá lên cười rồi chia tay đi về”.

Nhưng không phải lúc nào cũng ra về tay trắng mà cũng có lúc bội thu. Ông nhớ nhất là lần gặp nghệ nhân 91 tuổi Bùi Thị Hiệp ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười. Khi ông cất giọng hò một vài câu, vì sợ bà Hiệp không nghe rõ nên ông hò chữ “ơ... hòa...” hơi ngắn một chút so với nguyên gốc. Vừa nghe xong bà Hiệp xua tay bảo: “Phải hò thế này mới đúng”. Rồi bà cất giọng hò... Nhưng tuổi cao, sức yếu không cho phép bà hò hay như ngày xưa, nhưng cách thức hò Đồng Tháp sao cho hay thì bà vẫn nhớ. Góp ý của bà Hiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhạc sĩ Cao Văn Lý. Nó là cơ sở để ông ký âm sau này cho chính xác và dạy lại cho học trò.


Nhạc sĩ Cao Văn Lý và vợ tranh luận khi viết báo cáo kết quả nghiên cứu về hò Đồng Tháp

Những năm tháng lặn lội khắp vùng Đồng Tháp Mười đã giúp vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lý thu thập cơ bản đầy đủ những câu hò đại diện cho từng giai đoạn lịch sử phát triển của hò Đồng Tháp. Cũng trong thời gian ấy, hình ảnh chia tay của đôi vợ chồng trẻ trước ngày lên đường tập kết ra Bắc năm 1954 bỗng hiện về, rõ mồn một. Khi đó người vợ cất giọng hò:

“Gió thổi hiu hiu chín chiều ruột thắt. Nhìn về phương Bắc nước mắt em chảy lưng tròng. Đôi ta nên vợ nên chồng. Vàng phai, đá nát một lòng chờ nhau”.

Tìm bản sắc hò Đồng Tháp

Sau nhiều năm ròng rã đi thực tế sưu tầm, nghiên cứu, nhạc sĩ Cao Văn Lý đã xác định được những đặc điểm nghệ thuật của hò Đồng Tháp, giải thích được vì sao GS.TS Trần Văn Khê nói đây là điệu hò hay nhất miền Nam. Ông Lý nói đây là loại hò trên sông nước nên âm điệu thể hiện rõ tâm tư tình cảm của con người, đặc biệt là trong bối cảnh trăng nước mênh mông. Hò Đồng Tháp là biểu hiện độc đáo của dạng “ngẫu hứng phổ nhạc” cho thơ dân gian. Mỗi bài hò thường chia ba phần hơi khá rõ: từ tầm trung đến thấp nhất, từ tầm cao đến tầm trung, tầm thấp nhất đến tầm cao... nối với nhau chặt chẽ. Đặc trưng quan trọng nhất của hò Đồng Tháp chỉ hò một mình, không có hình thức đối đáp. Đó là tâm tình, là tự sự của con người về tình duyên, về số phận, những buồn vui cuộc đời. Cũng có khi có bài hò để phê phán, để lên án những cái ác, cái xấu.

Nếu như các loại hò cấy, hò mái đoản, hò huê tình... ở đồng bằng sông Cửu Long thường dùng thể thơ lục bát và lục bát biến thể thì hò Đồng Tháp thường dùng thể thơ song thất lục bát, tạo nhiều điều kiện hơn để diễn đạt cảm xúc mênh mông, dàn trải. Để chuyển một bài thơ song thất lục bát (và lục bát) thành hò Đồng Tháp, người ta thường chen vào từ “ơ... ơ...” hoặc “ơ... hòa... ơ” vào câu thơ để đưa hơi, lấy đà, ngắt nhịp, ngân... Nhạc sĩ Cao Văn Lý đọc hai câu thơ: “Mịt mịt mây bay khói tỏa/Em ngồi trông anh mây rã từng chùm” rồi cất giọng hò: “Mịt mịt mây bay khói tỏa.... ơ... ơ...... Em ngồi trông anh mây rã từng... ơ... ơ. ơ. ơ..ơ.....chòm... ơ....”.

Có một chi tiết rất đặc biệt giúp nhận ra hò Đồng Tháp chứ không thể nhầm với hò khác, đó là chữ “ơ... hòa...ơ...” trong khi hò (không phải “ơ...hò...ơ). Ông Lý gọi đó là nghệ thuật nhắc lại một đoạn của bài thơ và cất giọng hò:

Giọt lệ chia ly trĩu nặng lòng người chiến sĩ. Buổi trùng phùng ta giữ kỹ trong tim. Dù cho đá nổi mây chìm. Ơ... hòa... ơ... Dù cho đá nổi mây chìm. Đố ai ngăn được cánh chim về đàn”.

Nếu như các điệu hò khác có thể ghi nốt nhạc được thì trước giờ chưa có ai làm điều đó với hò Đồng Tháp vì nó quá khó, có những cung bậc rất đặc biệt. Sau nhiều năm nghiên cứu, nhạc sĩ Cao Văn Lý đã ghi thành công nốt nhạc cho hò Đồng Tháp theo đúng chất giọng người miền Tây. Đó là việc thay chữ “hòa” thành “quà”: Ơ... quà... ơ.... Phần mở đầu sẽ không vào thẳng nội dung bài thơ mà phải là: “Ơ...quà... ơ.... hò... ơ...”. Cuối câu hò phải là “hò.... ơ...”. Theo đó, phải hò như sau mới đúng: “Ơ... quà... ơ... hò... ơ... Chữ tình ai dứt cho rồi. Tơ hồng đã định đổi... ơ... ơ... dời ơ đặng đâu... hò... ơ...”.

Sau khi sưu tầm, nghiên cứu một cách bài bản, công phu, nhạc sĩ Cao Văn Lý đã mở nhiều lớp dạy hò cho các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp với mong muốn tạo dựng một thế hệ biết hò Đồng Tháp sau hơn 50 năm rơi vào quên lãng. Đã có 120 người hoàn thành khóa học đặc biệt này và thường xuyên duy trì sinh hoạt, sáng tác, biểu diễn trong các sự kiện quan trọng ở địa phương.

Nhạc sĩ Cao Văn Lý kể: “Tại Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực phía Nam năm 2011, tỉnh đã đưa lên sân khấu tiết mục hò Đồng Tháp đặc sắc khiến giám khảo và khán giả thổn thức. Không ai ngờ điệu hò đã mất tích hơn nửa thế kỷ bỗng xuất hiện với những giọng hò trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê. Những câu hò như rót mật vào tai đã thuyết phục Ban giám khảo chấm tiết mục này đạt giải A một cách xứng đáng. Những bạn trẻ lần đầu học hò và biểu diễn hò Đồng Tháp nói họ càng thấy yêu quê hương, yêu điệu hò xứ sở Đất Sen hồng. Sau đó, tỉnh Đồng Tháp tổ chức hẳn một Liên hoan dân ca và hò Đồng Tháp để đem đến cho khán giả tỉnh nhà một bữa tiệc thịnh soạn mà hơn 50 năm rồi họ chưa từng thưởng thức”.

HOÀI PHONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn