Đình Thần - Nơi lưu giữ giá trị văn hóa - lịch sử

Cập nhật ngày: 07/02/2024 05:45:10

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240207054650dx1.mp3

 

ĐTO - Trên địa bàn huyện Lấp Vò, có 2 ngôi đình được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh trong năm 2023 là đình Hội An Đông (được xếp vào loại hình Di tích kiến trúc nghệ thuật và Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện) và đình Long Hưng A (được xếp vào loại hình Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện). 2 ngôi đình này là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình làng của Nhân dân ở địa phương.


Ngôi đình Thần Hội An Đông

ĐÌNH HỘI AN ĐÔNG

Đình Hội An Đông tọa lạc tại ấp An Phú, xã Hội An Đông, mặt đình hướng ra sông Mương Kinh, bên phải là chợ Mương Kinh. Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đình Hội An Đông vẫn giữ được nét đặc trưng kiến trúc đình làng Nam bộ xưa với cổng đình, miếu Ngũ hành, miếu Sơn quân (miếu ông Hổ), bàn thờ Thần Nông, Vỏ ca, Tiền điện, Chánh điện. Đình có 3 nóc chính, mỗi nóc đình có mô-típ mái chồng mái được lợp ngói đỏ, phía trên có gắn tượng Lưỡng Long Chầu Nhật.


Bàn thờ Bác Hồ ở gian Tiền điện đình Hội An Đông

Các hạng mục chính của đình là Vỏ ca, Tiền điện và Chánh điện. Tiền điện ở gian giữa từ ngoài vào trong là bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ Hội đồng và gian chánh thờ Thần. Gian chánh điện theo kiểu “tứ trụ” gồm 4 cây cột chính nối với các kèo của 2 gian bên. Ở mỗi gian đều có bao lam, liễn đối, hoành phi được thếp vàng, cẩn ốc xà cừ. Vào nội thất gian Chánh điện, bàn thờ Thần được đặt ngay vị trí trung tâm được trang hoàng tôn nghiêm. Trước bàn thờ Thần, phía trên bao lam có treo bức hoành phi bằng gỗ được sơn son thếp vàng, đường viền được trang trí hoa lá cách điệu, hoa dây với nghệ thuật chạm khắc điêu luyện, tinh xảo, tất cả kết hợp thành một không gian thâm nghiêm, hài hòa và sinh động.


Không gian Chánh điện với bàn thờ Thần ở chính giữa trong cùng

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đình Hội An Đông là nơi diễn ra các hoạt động cách mạng, che chở cho cán bộ, chiến sĩ du kích tham gia đấu tranh ở địa phương. Năm 1968, tại đình xảy ra trận đụng độ giữa lực lượng du kích xã và địch khiến 5 chiến sĩ hy sinh, được chôn cạnh đình. Do đó, đình Hội An Đông được xếp loại Di tích kiến trúc nghệ thuật và Di tích lịch sử lưu niệm.


Bàn thờ Thần Nông tại đình Hội An Đông

Lệ cúng Kỳ Yên của đình diễn ra theo thông lệ 2 lần trong năm, lệ cúng Hạ điền diễn ra vào ngày 18, 19 và 20 tháng 6 âm lịch và lệ cúng Thượng điền vào ngày 17, 18 và 19 tháng Chạp. Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng thành, tạ ơn thần phù hộ cho họ có được cuộc sống sung túc ấm no; trong đó, lễ cúng vào tháng 6 âm lịch là lễ hội có quy mô lớn nhất, thu hút hàng ngàn người trong và ngoài địa phương đến tham dự. Ngày thứ nhất, Ban Tổ chức lễ hội tiến hành các nghi lễ gồm: Lễ thượng Quốc kỳ - Thần kỳ, Thỉnh sắc, An vị, Xây chầu và Hát bộ. Ngày thứ hai, tiến hành các nghi lễ và hoạt động như cúng Túc yết, tiếp rước đình bạn cùng quý khách và Nhân dân đến viếng, hát bộ. Ngày thứ ba gồm các hoạt động: lễ cúng Chánh tế và đưa sắc, sau đó bế mạc. Ngoài phần lễ, trong những ngày này, tại đình Hội An Đông cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ, trưng bày triển lãm để người dân tham gia vui chơi giải trí.

ĐÌNH LONG HƯNG A


Bàn thờ Thần ở trung tâm gian thờ chính đình Long Hưng A được sơn son thếp vàng với các họa tiết chạm nổi hình rồng, hạc, qui, hoa lá

Đình Long Hưng A tọa lạc ấp Hưng Quới 1, xã Long Hưng A. Đình được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân địa phương thờ Thành Hoàng Bổn cảnh và các vị tiền hiền, hậu hiền. Đình Long Hưng A phụng thờ vị Nhiên thần mang tên “Nhục Thu Tôn Thần” để phò trợ cho cuộc sống của người dân địa phương được an cư lạc nghiệp.


Gian Vỏ qui với bàn thờ Vua Hùng và các hàng cột treo liễn đối

Cùng với đó, đình Long Hưng A còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử địa phương trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đình Long Hưng A là cơ quan bí mật đầu tiên của phong trào Cách mạng xã Long Hưng năm 1945. Đình từng là nơi làm việc của Nhà thương Sa Đéc để chữa bệnh cho Nhân dân và du kích; mở lớp tiểu học kháng chiến đầu tiên cho du kích xã... Năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng xã Long Hưng A được thành lập tại đình. Đến năm 1969, địch biết đình là cơ sở hoạt động cách mạng nên ném bom làm sập ngôi vỏ ca. Với những giá trị trên, đình Long Hưng A được xếp vào loại hình Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện.

Đình Long Hưng A được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của đình thần ở Nam bộ. Ngôi đình bao gồm các gian: Vỏ ca, Vỏ qui, Tiền điện, Chánh điện và Nhà bếp. Về kiến trúc tổng thể đình Long Hưng A có dạng hình chữ nhật với các gian nhà tứ trụ liên kết nhau. Phần mái đình được thiết kế theo kiểu mái chồng mái với 2 tầng mái lợp ngói âm dương màu đỏ, trên nóc mái có đặt các tượng Lưỡng Long tranh châu.


Phía trước 2 bên bàn thờ Thần là lỗ bộ gồm tám loại binh khí, đôi Hạc - Qui đối xứng nhau

Thiết kế của gian chánh điện theo lối 3 gian 2 chái, có 3 cửa ra vào làm bằng gỗ, phần trên cửa chạm các ô, hộc với kích thước bằng nhau, phần dưới chạm nổi các họa tiết hoa lá; phía trên cửa ở giữa treo bức Hoành phi chữ Hán được chạm nổi trên nền đỏ chữ vàng. Bàn thờ Thần ở ngay vị trí trung tâm gian thờ chính được sơn son thếp vàng với các họa tiết chạm nổi hình rồng, hạc, qui, hoa lá và hổ phù thể hiện sự trang trọng và tôn nghiêm cho nơi thờ tự. Phía trên bàn thờ treo bức hoành phi Thụy khí chung linh - nghĩa là Quy tụ điềm lành linh thiêng. Tấm rèm che phía trước bàn thờ có dòng chữ Hán nghĩa là Thần linh hiển hách. Trên bàn thờ, thờ bàn vị lớn có chữ Thần ở giữa. Phía trước 2 bên bàn thờ Thần là lỗ bộ gồm 8 loại binh khí, đôi Hạc - Qui đặt đối xứng nhau, trên thân cột 2 bên bàn thờ có liễn đối.

Hằng năm, lễ cúng Kỳ Yên Hạ điền ở đình Long Hưng A diễn ra từ ngày 10 - 11 tháng 3 âm lịch; lễ cúng Kỳ Yên Thượng điền diễn ra từ ngày 10 - 11 tháng 11 âm lịch. Cũng giống như bao lễ hội khác ở đình thần Nam bộ, lễ hội cúng đình ở Long Hưng A cũng có 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Về phần lễ, nghi thức cúng Thần ở đình Long Hưng A được diễn ra theo trình tự, trong ngày 10 gồm các lễ: Thượng Quốc kỳ, Thỉnh Sắc Thần, cúng Thần Nông, cúng Hùng Vương, cúng Tiền hiền - Hậu hiền và chiến sĩ trận vong, Xây chầu, Túc Yết, Thỉnh Sanh. Ngày 11 gồm lễ Chánh tế linh Thần, đây là lễ cúng chính của lễ hội Kỳ Yên, mang ý nghĩa tạ ơn Thần đã cho năm mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh. Sau đó là lễ Tôn Vương nhằm mục đích tôn vinh các vị vua chúa, đặc biệt là Triều Nguyễn và lễ Hồi sắc đưa sắc Thần về nơi tọa vị.


Các tượng Rồng trên mái đình Long Hưng A

Phần hội là phần sôi động và vui tươi nhất trong mỗi dịp cúng đình, xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu và thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí với các trò chơi dân gian do Ban tế tự đình tổ chức. Qua đó, tạo sự gắn bó thân thiết, đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng làng xóm ngày càng phát triển.

Ngoài ra, trong năm, đình Long Hưng A còn diễn ra các lễ cúng như: Lễ Khai Sơn diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng còn gọi là lễ Khai hạ hay Khai ấn nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ đến các bậc Tiền hiền đã có công khai khẩn đất đai, lập đình miếu và lễ Tam Nguyên (thường gọi là Tam Ngươn) vào 3 ngày Rằm lớn trong năm là: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7, Rằm tháng 10 âm lịch.

Có thể nói, đình Thần là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời, những lễ cúng ở đình được tổ chức hàng năm không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương, mà còn là nơi hội tụ, gắn bó mọi người với nhau để thắt chặt tình làng nghĩa xóm, hài hòa các mối quan hệ trong cộng đồng. Lễ hội ở đình thần từ lâu đã trở thành nét văn hóa tinh thần ở địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn