Đờn ca tài tử Nam bộ: Ngón đờn kìm của bậc tài hoa
Cập nhật ngày: 06/06/2013 14:38:42
Khoảng năm 1910, ở Mỹ Tho (Tiền Giang) có ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, người xứ Cái Thia, rất nổi tiếng. Trước đó chưa có đờn ca trên sân khấu hoặc trước công chúng.
Ban tài tử Nguyễn Tống Triều dự hội chợ
các nước thuộc địa ở Marseille, Pháp, năm 1906 - Ảnh: tư liệu
Đem chuông đi đánh xứ người
Thật ra Nguyễn Tống Triều (tục gọi Tư Triều) quê ở Thuộc Nhiêu, làng Dưỡng Điềm (nay thuộc H.Châu Thành, Tiền Giang). Ông sinh năm 1876, lúc nhỏ được cha mẹ cho đến trường làng học chữ quốc ngữ và tìm thầy học thêm chữ Nho. Học hành tiến bộ nhưng ông lại thích đến hiệu thuốc của thầy Nguyễn Văn Lạc (nhà thơ Học Lạc), lấy cớ là hỏi thêm sách vở nhưng mục đích là để học đờn, làm thơ và ca hát. Ông lại kết bạn với Trần Quang Diệm người làng Vĩnh Kim Đông (vốn là hậu duệ của tiến sĩ Phan Hiển Đạo, người đặt nền móng cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ).
Khi thầy Học Lạc mất là lúc Nguyễn Tống Triều trở thành một tài tử nổi danh, đặc biệt là sử dụng đờn kìm. Ông có thể đờn được 20 bài tổ và những bài bản của bè bạn chế tác lúc đương thời với ngón đờn kìm điêu luyện. Bấy giờ Nguyễn Tống Triều trên 20 tuổi và đã về vùng Cái Thia cưới vợ, lập nghiệp tại làng Mỹ Đức Tây (Cái Bè). Tại đây, ông tiếp tục dạy đờn cho bè bạn trong vùng và thành lập một ban tài tử.
Năm 1906, khi Pháp tổ chức hội chợ các nước thuộc địa ở thành phố Marseille, ngoài việc đem các đặc sản nông nghiệp hoặc mỹ thuật tham gia triển lãm, chính quyền 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho còn cử 2 ban nhạc tài tử sang Pháp trình diễn. Ban nhạc tài tử Gò Công do Huỳnh Đình Điển dẫn đầu, còn ban của Tư Triều gồm: Tư Triều đờn kìm (trưởng ban), Chín Quán đờn độc huyền, Mười Lý thổi tiêu, Bảy Vô đờn cò, Ba Đắc và Hai Nhiễu ca... Tương truyền cô Hai Nhiễu có tật nói lắp, nhưng cô có thể vừa đờn tranh vừa ca, đặc biệt là khi ca thì không ai biết cô có dị tật.
Trong lần xuất ngoại này, 2 ban tài tử của Huỳnh Đình Điển và Nguyễn Tống Triều làm tròn nhiệm vụ giới thiệu văn hóa cho bè bạn các nước thuộc địa. Khi về nước, khoảng năm 1910 Huỳnh Đình Điển (lúc đó là chủ Nam Kỳ lữ điếm) đi tàu đến Cái Thia mời ban tài tử của Tư Triều về Mỹ Tho lên sân khấu trình diễn vào đêm đầu tuần và cuối tuần để thu hút khán giả, đồng thời hai ông đã bày vẽ cách “ca ra bộ”. Thấy khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật mới, ông Phạm Đăng Hộ (tục gọi là thầy Hộ) người Gò Công, chủ rạp chiếu bóng Casino (Mỹ Tho), cũng mời ban tài tử của Nguyễn Tống Triều lên sân khấu trình diễn vào tối thứ tư và tối thứ bảy hằng tuần, trước khi chiếu bóng, được khán giả rất hoan nghênh.
Năm 1914, chính quyền thực dân Pháp xây dựng chợ Sài Gòn mới (chợ Bến Thành). Mấy năm sau, xung quanh khu vực này mọc lên nhiều nhà hàng khách sạn sang trọng, trong đó có nhà hàng Cửu Long Giang. Nghe tiếng ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, qua sự giới thiệu của ông Huỳnh Đình Điển, ông chủ nhà hàng Cửu Long Giang xuống Mỹ Tho tìm rước ban nhạc Tư Triều lên Sài Gòn. Ban tài tử lúc này thường xuyên có cô Hai Nhiễu (con gái Tư Triều) ca, Lê Ngũ Đồng ở Cái Thia đờn độc huyền, Nguyễn Tri Khương (ở Vĩnh Kim) đờn cò hoặc thổi sáo và Tư Triều đờn kìm. Thỉnh thoảng ban còn được bổ sung thêm Nguyễn Thơ Chỉnh (Hương sư Chỉnh), Năm Cư hoặc những người bạn đờn ca ở vùng Chợ Gạo, Ba Dừa...
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Niệm, con gái thứ ba của Nguyễn Tống Triều, đêm nào Ban tài tử Mỹ Tho lên biểu diễn thì chiều hôm đó có xe song mã chạy quảng cáo rất xôm tụ. Tối đến khán giả đông nghẹt. Người có tiền thì chiếm chỗ ngồi sang trọng. Người không tiền cũng đứng ngóng chờ Ban tài tử đến”.
Tài hoa bạc phận
Nguyễn Tống Triều là người am tường nghệ thuật. Theo lời thuật của những người trong họ thì chính ông là người sửa chữa hoàn chỉnh bản Phụng cầu hoàng. Trong lĩnh vực nghệ thuật ông ứng tác rất nhanh. Lần nọ ông Phó tổng Tính (chồng bà Sương Nguyệt Anh) ở Rạch Miễu làm lễ khai bằng, cử người đại diện đến rước ban nhạc tài tử của Nguyễn Tống Triều phục vụ. Vâng lệnh chủ, người đại diện không báo trước nội dung buổi lễ. Nhưng khi vào chương trình thì Tư Triều có thể vừa cầm đờn kìm khảy, lại vừa hát, bài bản nói về buổi lễ như đã sáng tác sẵn.
Nguyễn Tống Triều thường phục vụ các nhà hàng ở Sài Gòn, ít khi về nhà. Cuối năm 1917 có người gửi về nhà một bức chân dung của ông và báo tin ông đã mất, thi hài an táng ở một nghĩa địa Sài Gòn - Gia Định.
Ca ra bộ là hình thức phôi thai của nghệ thuật cải lương, vì vậy có thể xem Nguyễn Tống Triều là ông tổ của nghệ thuật cải lương.
Ông Trần Văn Khải là cháu gọi Nguyễn Tống Triều bằng cậu. Những năm ông Khải dạy ở Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn đã vẽ lại hình ảnh Nguyễn Tống Triều trong quyển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (NXB Khai Trí, 1970). Theo lời ông Khải, ông cũng đã cố gắng tìm hài cốt của người cậu tài hoa bạc phận nhưng bặt vô âm tín.
Hoàng Phương - Ngọc Phan/Thanh Niên