Đồng Tháp xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Cập nhật ngày: 26/06/2015 10:32:20
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Đồng Tháp luôn quan tâm công tác xây dựng gia đình, coi đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của xã hội, đồng thời xây dựng hình ảnh đẹp của con người Đồng Tháp trong thời kỳ hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH).
Trên tinh thần quán triệt, thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH, 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của công tác gia đình trong tiến trình CNH, HĐH. Công tác gia đình không chỉ nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà còn lồng ghép vào cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đền ơn đáp nghĩa... được cả cộng đồng tham gia hưởng ứng thực hiện.
Hằng năm, cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể đã đề ra các mục tiêu, giải pháp, đề án cụ thể giải quyết khó khăn về công tác xây dựng gia đình. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH được tăng cường. Các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực gia đình; cung cấp kiến thức về hôn nhân và gia đình cho nam nữ thanh niên trước khi kết hôn, tạo điều kiện cho các cá nhân và gia đình được tiếp cận kiến thức về pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội. Nội dung sinh hoạt về xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH được gắn vào các sự kiện kỷ niệm như: Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Tháng hành động Vì trẻ em (tháng 6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11),...
Công tác giáo dục đời sống gia đình được chú trọng. Các gia đình đã từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, phát huy tính tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nhiều phong trào, mô hình câu lạc bộ gia đình hoạt động có hiệu quả được phát triển, nhân rộng như: Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”, mô hình “5 không - 3 sạch”, mô hình “Can thiệp nhằm giảm thiểu tiêu cực tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài”, câu lạc bộ “Ông bà, cha mẹ gương mẫu - con cháu thảo hiền”,...
Phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình được phát triển tốt. Nhiều mô hình hỗ trợ, trợ vốn phát triển có hiệu quả được xây dựng và triển khai nhân rộng như: mô hình hợp tác và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện 3 phong trào thi đua, chương trình liên kết 4 nhà; mô hình dịch vụ gia đình, có 207 điểm, giúp 2.453 thành viên có việc làm; hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh, nhà trả chậm, với hơn 1.300 tổ tiết kiệm và vay vốn, có 53.277 hộ vay. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng tăng, năm 2014 toàn tỉnh có 376.530 gia đình đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ 88,22%). Chương trình xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động được các địa phương triển khai tích cực, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tất cả các hoạt động trên đã nâng cao vị trí, vai trò của gia đình trong xã hội, điều kiện sống của mỗi gia đình được cải thiện đáng kể và từng bước nâng cao. Nhiều gia đình thực sự trở thành những tấm gương tiêu biểu để các gia đình khác noi gương học tập. Toàn tỉnh đã hoàn thành 12/15 chỉ tiêu về xây dựng gia đình, đạt 80%. Còn 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành như số cặp vợ chồng ly hôn; trẻ em bị buôn bán, bắt cóc; trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn còn ở mức cao, cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
Từ những kết quả nêu trên cho chúng ta thấy sự quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước đối với công tác gia đình và tầm quan trọng của gia đình đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy nhiên, để gia đình thực sự phát huy được vai trò của mình, xứng đáng là môi trường lành mạnh nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì ngoài sự quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình thì ngay chính bản thân mỗi gia đình cũng cần phải biết phát huy sức mạnh vốn có của mình thông qua việc nhận thức và thể hiện có hiệu quả vai trò của gia đình đối với cộng đồng và xã hội.
Hoan Huyền