Liên hoan đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp lần thứ nhất:
Nơi hội tụ những nghệ nhân Đất Sen hồng
Cập nhật ngày: 07/12/2016 11:00:14
Liên hoan đờn ca tài tử (ĐCTT) và Hò Đồng Tháp lần thứ nhất do Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh tổ chức vừa khép lại. Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, người yêu thích ĐCTT có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát huy giá trị di sản.
Một tiết mục được công diễn tại liên hoan. Ảnh: Hữu Nghĩa
Liên hoan lần này, có 12 đội với hơn 150 thí sinh đến từ các Câu lạc bộ ĐCTT và người yêu thích loại hình ĐCTT trong tỉnh tham gia. Mỗi đơn vị tham gia xây dựng một chương trình có từ 5 - 6 các tiết mục gồm: đơn ca, song ca hoặc hợp ca và 1 tiết mục hò Đồng Tháp. Về kết cấu chương trình, các đơn vị phải có đầy đủ các bài bản trong dòng âm nhạc tài tử Nam bộ gồm: bắc, nam, oán, hạ và vọng cổ, hòa tấu. Do tuyển chọn từ cơ sở nên các đội biểu diễn bằng giọng ca truyền cảm ngọt ngào, luyến láy tài hoa làm say ngất lòng người, thu hút đông đảo khán giả đến xem cổ vũ nhiệt tình. Nội dung các tiết mục ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, về cuộc đời và sự nghiệp Cụ Nguyễn Sinh Sắc, Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nông thôn mới, sự phát triển của quê hương Cao Lãnh, Đồng Tháp...
Trong tổng số trên 50 tiết mục, Ban Tổ chức liên hoan chọn 8 tiết mục công diễn, trong đó huyện Hồng Ngự có 4 tiết mục (đủ các thể loại). Đặc biệt nghệ nhân ĐCTT của huyện Hồng Ngự tham gia liên hoan lần này đều là lực lượng trẻ. Chị Trần Ngọc Phụng, cán bộ nghiệp vụ Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Hồng Ngự chia sẻ: “Liên hoan ĐCTT rất ý nghĩa. Chúng tôi rất phấn khởi vì có nhiều tiết mục được chọn công diễn”.
Có thể nói, ĐCTT ngày càng được nhiều người yêu thích và phong trào ĐCTT ngày càng phát triển mạnh ở các huyện, thị, thành trong tỉnh. Em Nguyễn Quốc Khánh (14 tuổi) ở huyện Lai Vung là diễn viên trẻ tuổi nhất đạt huy chương đồng tại liên hoan đã thể hiện 1 bài tài tử được Ban tổ chức đánh giá cao. Quốc Khánh vui mừng cho biết: “Lần đầu tiên tham gia Liên hoan ĐCTT, em rất vui. Vui nhất là được công diễn và tiết mục của em đạt giải. Liên hoan lần này, em học được nhiều kinh nghiệm để em tiếp tục rèn luyện phát triển”.
Đam mê ĐCTT, anh Lê Dũng ở huyện Lấp Vò thường xuyên tự rèn luyện và học hát từ đồng nghiệp. Tham gia Liên hoan ĐCTT lần này anh thấy mình có nhiều kinh nghiệm hơn, có tiết mục được chọn công diễn và được khen thưởng. Anh Lê Dũng chia sẻ: “Dự thi lần lần này tôi thấy tự tin hơn mấy lần trước, chọn bài hợp với mình. Bài ngũ đối thượng, nói chung rất khó hát, nhưng tôi chọn vì muốn thử sức mình. Liên hoan ĐCTT này đi kèm với hò Đồng Tháp, nên tôi được học hỏi thêm rất nhiều”.
Đây cũng là dịp để Ban Tổ chức phát hiện và tuyển chọn nghệ nhân xuất sắc tạo nguồn tham gia liên hoan hoặc hội thi ĐCTT khu vực hoặc toàn quốc. Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tấn - Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan ĐCTT và hò Đồng Tháp lần thứ nhất cho biết: “Các diễn viên đã có sự chuẩn bị tốt hơn, rớt nhịp ít hơn, quên lời ít hơn, tâm lý diễn cảm diễn xuất khá hơn so với các kỳ trước đây. Không gian thì các đội chuẩn bị sinh động hơn, không gian thật nhiều hơn so với không gian giả. Chẳng hạn như trái cây, hoa và nhiều loại hình đặc sản ở địa phương, tạo tính chân thật, làm sinh động thêm các tiết mục biểu diễn của từng đơn vị”.
Tuy còn một vài hạn chế về khâu chuẩn bị của các đội, trang phục, hình thức chưa hấp dẫn nhưng các đơn vị đã mang đến cho khán giả những tiết mục hò, đờn ca đặc sắc. Điều này, khẳng định giá trị của loại hình nghệ thuật ĐCTT đã trở thành đặc trưng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ.
PHƯƠNG NGA