Phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp
Cập nhật ngày: 17/10/2012 06:47:25
Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp (KDT Gò Tháp) có diện tích 290ha, tọa lạc tại ấp 1, xã Tân Kiều và ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười. Nằm ở trung tâm khu vực Đồng Tháp Mười, KDT Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối thế kỷ 19 và những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 khi một số nhà nghiên cứu người Pháp đến đây khảo sát và công bố những phát hiện quan trọng về một số dấu tích kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá, văn tự cổ...
Nền Tháp Cổ trong khu di tích
Trong các lần khai quật gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di vật của nền văn hóa Óc Eo dưới lòng đất, có niên đại cách đây trên 15 thế kỷ như: các tượng thần Hindu giáo Visnu, Siva, các Linga, Yoni và các mẫu vật sành sứ, ấm chén, khuôn chế tác nữ trang... Theo các nhà nghiên cứu, di tích Gò Tháp cách đây khoảng 1.500 năm, đó là trung tâm cư trú đông đúc của một bộ phận dân tộc có nền văn hóa phát triển, là nơi có quá khứ gắn liền với lịch sử của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh nền văn hóa cổ, Gò Tháp còn có nền văn hóa đương đại. Với địa thế hiểm trở, thời kỳ chống Pháp, nơi đây là đại bản doanh của anh hùng Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều... Đây còn là căn cứ của Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy Ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ (1945-1949), Tỉnh ủy Mỹ Tho, Long Châu Sa (Đồng Tháp)...; đã từng in dấu chân hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo như: Lê Duẫn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ...
Ngoài ra, ở di tích Gò Tháp còn có các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng như: Tháp Cổ Tự, Miếu Bà Chúa Xứ, mộ Hoàng Cô, nền Tháp cổ... với nhiều giai thoại mang màu sắc “huyền bí, tâm linh”, nên KDT Gò Tháp được coi là nơi linh thiêng trong tâm tưởng người dân vùng đồng bằng. Nơi đây, hàng năm thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là hai kỳ lễ hội truyền thống dân gian: vía Bà Chúa Xứ (15 tháng 3 âm lịch) và lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều (15 tháng 11 âm lịch). Với bề dày lịch sử, truyền thống và văn hóa đan xen, năm 1989 KDT Gò Tháp được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia với 5 di tích tiêu biểu được ghi tên là nền Tháp Mười tầng, Tháp Cổ Tự, Đền và mộ thờ cụ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư và Miếu Bà Chúa Xứ.
Đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều
trong khu di tích Gò Tháp
Mặc dù kinh phí có giới hạn, nhưng những năm qua để giữ gìn và phát huy các giá trị đặc biệt của KDT Gò Tháp, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để phục vụ cho công tác bảo quản, trùng tu bảo dưỡng các điểm di tích khảo cổ, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng và xây dựng cơ sở hạ tầng giúp cho khu di tích ngày càng khang trang. Để khai thác hết tiềm năng của KDT Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp đang có nhiều nỗ lực trong xây dựng Gò Tháp thành một nơi du lịch sinh thái mang đậm bản sắc của vùng Đồng Tháp Mười như mở rộng, nâng cấp cầu đường đến khu di tích, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng đài sen cao 79m, đầu tư xây dựng dịch vụ vui chơi giải trí, tham quan sinh thái... Phục hồi các di tích liên quan đến hoạt động cử Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy Ban kháng chiến Nam Bộ...
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của KDT, ngày 27/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt đợt 3, trong đó có KDT Gò Tháp. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng các cấp lãnh đạo và người dân tỉnh Đồng Tháp mà còn cả đồng bằng sông Cửu Long. KDT Gò Tháp đang chứa đựng những giá trị hết sức đặc biệt về khảo cổ, văn hóa lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng, cảnh quan thiên nhiên... Do đó, ngay từ hôm nay việc phát triển và bảo tồn di tích Gò Tháp là nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn di sản quý báu cho thế hệ mai sau. Hy vọng trong tương lai, Gò Tháp sẽ tiếp tục được xây dựng, phát triển và thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Phú Thuận