Tiết chế cảnh nhạy cảm trong phim truyền hình

Cập nhật ngày: 20/12/2016 05:16:18

Mới đây, bộ phim được nhiều khán giả truyền hình cả nước mong đợi là Tuổi thanh xuân (phần hai) khi vừa lên sóng những tập đầu tiên đã khiến người xem "nhức mắt" trước những cảnh quay nhạy cảm. Để khắc họa sự giàu có, ăn chơi của nhân vật Phong, phim chọn không gian là một quán bar trên du thuyền ở Vịnh Hạ Long với nhiều cảnh quay về những hành vi, trạng thái tình cảm nam nữ rất phản cảm.

Ngay lập tức, những “cảnh nóng” này vấp phải ý kiến phản đối của người xem về tính phù hợp khi được phát rộng rãi trên sóng truyền hình cả nước. Trước bộ phim này, bộ phim Hoa nắng khi được phát sóng cũng khiến công chúng bàng hoàng với không ít cảnh quay lộ liễu đến sượng sùng. Hàng loạt phim truyền hình ăn khách khai thác đề tài tình yêu, hôn nhân, gia đình trước đó cũng đều có những góc quay bạo dạn đặc tả cảnh yêu đương nam nữ, như Hôn nhân trong ngõ hẹp, Mưa bóng mây...

Có thể thấy, trong nỗ lực kéo gần hơn khoảng cách giữa phim truyền hình và công chúng, các đề tài phim hiện nay đã được khai thác gần gũi, đi sâu vào từng khía cạnh cuộc sống; những cảnh quay được thể hiện sinh động, xác thực hơn. Song cùng với đó, các “cảnh nóng” trong phim cũng có xu hướng xuất hiện thường xuyên và táo bạo hơn. Nếu trước đây, những phân cảnh diễn tả tình cảm nam nữ thường chỉ diễn ra ý nhị vài giây theo kiểu “tắt đèn tự hiểu”, thì giờ đây, những pha nóng bỏng đã được quay nhiều hơn ở góc độ cận cảnh, với thời gian kéo dài. Đành rằng, trong nhiều trường hợp, “cảnh nóng” trong phim là thứ gia vị cần thiết; nếu quay không đến độ sẽ không thể chuyển tải hết ý đồ nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu bị khai thác quá trần trụi, nhất là trên sóng truyền hình, sẽ gây phản tác dụng. Khi được hỏi, phần lớn các đạo diễn đều cho rằng đây là đòi hỏi tất yếu của điện ảnh nói chung và phim truyền hình nói riêng, để đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại. Nếu ngại nhạy cảm mà chỉ quay qua loa, hời hợt sẽ làm mất tính thực tế của phim. Tuy nhiên, ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục, phản cảm lại là điều không phải đạo diễn nào cũng đủ tài để xử lý. Chưa kể, dù muốn hay không, những “cảnh nóng” cũng sẽ tác động, ảnh hưởng nhất định tới trẻ em, một trong những đối tượng đang thụ hưởng các phim truyền hình; nhất là ở Việt Nam, nhiều gia đình thường có thói quen các thế hệ cùng quây quần xem phim qua màn ảnh nhỏ. 

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, việc gắn nhãn phân loại độ tuổi các bộ phim có cảnh quay nhạy cảm là giải pháp tối ưu, bởi phụ huynh có thể căn cứ vào đó để kiểm soát con em, các nhà làm phim cũng có thể thoải mái sáng tạo. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư ban hành quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim. Theo đó, tất cả các phim, trong đó có cả phim truyền hình cũng sẽ được gắn nhãn phân loại độ tuổi. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, gắn nhãn sẽ có tác dụng cao ở lĩnh vực điện ảnh hơn truyền hình. Bởi việc khu biệt khán giả truyền hình cho từng phim là vấn đề không đơn giản, nhất là khi phim được phát trên sóng truyền hình cả nước và lứa tuổi nào cũng có thể thụ hưởng. Bởi thế, để “cảnh nóng” không trở thành con dao hai lưỡi, các cảnh quay nhạy cảm xuất hiện trong phim trước tiên cần được các đài truyền hình kiểm soát chặt chẽ. Cần nghiêm túc đánh giá hiệu ứng xã hội của các cảnh này để tìm cách biên tập cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhà đài cũng cần tính toán tới thời gian phát sóng hợp lý những bộ phim truyền hình hướng đến các độ tuổi khác nhau, dựa trên khảo sát cụ thể về thói quen xem phim trong ngày của từng đối tượng công chúng.

TRANG ANH/NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn