“Hoa đất” và những gương sen Đồng Tháp Mười

Cập nhật ngày: 08/12/2016 10:34:13

Trong số những đầu sách được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp liên kết với Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành trong quý IV năm 2016, tôi đặc biệt ấn tượng với “Hoa đất” - tuyển tập bút ký của nhà văn Nguyễn Quế.


Tuyển tập bút ký “Hoa đất”

Không ấn tượng sao được, khi ngay từ nhan đề tập sách đã gợi cho tôi nhớ đến câu tục ngữ “Người ta là hoa đất”. Những “gương sen” tươi đẹp của vùng đất Đồng Tháp Mười đã bước vào trang văn của anh một cách dung dị, khiêm nhường mà đủ sức tỏa hương, khoe sắc. Tuyển tập với 16 bút ký cũng chính là 16 câu chuyện về những con người, những cuộc đời có thực. Đó là những tấm gương về nghị lực, tình thương, hiếu học, lao động sản xuất,... để ai đọc qua cũng nhận ra cho mình một bài học thấm thía về ước mơ, niềm tin vào cuộc sống.

Tôi nhớ hình ảnh cô giáo Lê Ngọc Xương trong tác phẩm “Trọn đời vì tuổi thơ”. Người phụ nữ sinh năm 1941 ấy đã đi qua 34 năm ròng đứng lớp, dù đã đến tuổi nghỉ hưu, có thể an dưỡng tuổi già nhưng khi nhìn thấy quê mình “vẫn còn bao trẻ em không có tuổi thơ, chưa một lần được cắp sách đến trường hoặc phải nghỉ học giữa chừng vì mưu sinh”, nhận rõ hành trang để các em vào đời không gì quý giá hơn chính là tri thức, cô đã mượn nhà kho của bệnh viện, bảng và bàn ghế của trường học để mở lớp học tình thương. Để rồi từ nghĩa cử của cô, chính quyền và nhiều mạnh thường quân đã cùng chung tay để xây dựng lớp học khang trang hơn, mở ra nhiều cơ hội học tập cho những trẻ em thiệt thòi ở thị trấn Lấp Vò và xã Bình Thạnh Trung. Tôi tin những học trò từ lớp học của cô, nhiều người sẽ thành danh và tất cả sẽ thành nhân.

Cũng là một câu chuyện đầy cảm động như thế trong “Mù mắt nhưng không mù chữ”, Nguyễn Quế đã cho thấy tấm gương về nghị lực và hành trình đi tìm con chữ rồi gieo chữ của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung. Vốn bệnh nhiễm trùng mắt rồi mù hẳn từ rất sớm khi vừa tròn 4 tháng tuổi, tưởng như tương lai và cả cuộc đời đã khép lại với chị. Nhưng bằng khát khao đứng vững trên đôi chân của chính mình, lấy tay thay mắt, người phụ nữ ấy đã học đi đứng, định vị, làm các công việc nhỏ giúp gia đình đến quyết định lên Sài Gòn học chữ nổi ở Hội Người mù. Để rồi khi trở về quê nhà chị mở lớp dạy chữ nổi, đan giỏ nhựa, thảm lục bình, đàn ghi ta cổ cho những người cùng hoàn cảnh. Chị đã truyền cảm hứng về nghị lực vượt khó và tấm lòng đồng cảm sẻ chia cho nhiều người.

Tôi cũng không quên được câu chuyện về Nguyễn Hoàng Thắng - chàng trai 25 tuổi từng nhận giải thưởng Lương Định Của và giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong “Tỷ phú tuổi hai lăm”. Người Phó Bí thư Xã đoàn Láng Biển, huyện Tháp Mười ấy vẫn luôn đau đáu về tỉ lệ thất thoát thu hoạch trong nông nghiệp cũng như việc nhiều thanh niên nông thôn nhàn rỗi, không có việc làm, từ số vốn ít ỏi ban đầu anh mua một máy gặt đập liên hợp để vừa hỗ trợ nhu cầu sản xuất của bà con vừa tạo việc làm cho các đoàn viên thanh niên. Đến nay, Nguyễn Hoàng Thắng đã có trong tay 5 máy gặt đập liên hợp, 5 xe kéo lúa, 5 phà, 1 máy cày để tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên dưới 30 lao động và trở thành tỉ phú bằng quyết tâm của tuổi trẻ, bằng sự mạnh dạn dám nghĩ dám làm.

“Hoa đất” còn biết bao câu chuyện hấp dẫn khác, đó là cựu chiến binh Kiều Văn Hinh - người đã tạo nên “thương hiệu kép cho địa danh Tràm Chim”; câu chuyện về chú Sáu Đính với việc “khai sáng một làng nghề” hay câu chuyện về gia đình anh Nguyễn Văn Sự ở Hưng Lợi, Thanh Mỹ - một gia đình khoa bảng giữa vùng sâu Tháp Mười. Mỗi câu chuyện, mỗi trang bút ký có một sức hấp dẫn khác nhau nhưng tất cả đã làm nên sự thành công và độ “quyến rũ” cần thiết cho tuyển tập. Chính bởi sự hấp dẫn của nó nên người đọc sẽ không ngạc nhiên để hiểu vì sao 16 bút ký của “Hoa đất” thì đã có 2 tác phẩm từng đạt giải nhất, 5 tác phẩm từng đạt giải nhì, 4 tác phẩm đạt giải ba và 5 tác phẩm còn lại đạt giải khuyến khích trong các cuộc thi bút ký cấp Quốc gia, khu vực và tỉnh nhà trong thời gian qua.

Bạn hãy cùng tôi mở từng trang “Hoa đất” để lắng nghe từng câu chuyện cuộc đời!

Nguyễn Giang San

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn