Ấu thơ ngọt ngào

Cập nhật ngày: 01/08/2016 06:08:54

“Ba ôm tôi xuống bến, ông đặt bàn tay to bè lên cái bụng tròn ủm của thằng con đỡ tôi nằm trên sâm sấp nước. Lúc đó tôi sướng quá, tay chân luýnh quýnh chòi đạp lia lịa làm nước văng sáng trắng mặt ba tôi”. Truyện “Tắm sông” mở đầu cho tập truyện thiếu nhi “Xa xóm Mũi” (*) của Nguyễn Ngọc Tư đã đưa ta về miền ấu thơ rượi mát như vậy.

Tôi thấy như trẻ nít tuổi mình đang ùa về qua những trang viết của tác giả - với phù sa bờ bãi, với cơn gió vàm sông, với ríu ran bè bạn tay lấm chân bùn. Viết cho thiếu nhi nên Nguyễn Ngọc Tư thả vào đó thiệt nhiều chi tiết dung dị. Những chi tiết nhỏ xíu như mầm đước, như con còng gió, con thòi lòi mé sình đặc quánh. Đọc mà nghe như ai đó kề bên kể về ấu thơ của chính mình vậy. Hết mỗi câu chuyện, muốn dừng lại một chút. Để nhớ và tưởng tượng thêm những thứ quanh quẩn đâu đó bên câu chuyện vừa xem. Cuộc nhớ có lúc mỏng, lúc dày, lúc bảng lảng như khói chiều loang từ chái bếp hiên quê. Nhớ ngọt lành, thiệt khó tả.


Ảnh internet

Chuyện tắm sông của con nít xứ này không thể thiếu... chuồn chuồn cắn rún. Những tinh nghịch rộn vui sông nước từ tấm bé cũng chính là khởi đầu cho một hành trình sống. Không biết lội thì hiểm nguy chực chờ, rình rập. Miệt này là xứ của nước, của sông, của biển. Trong truyện ngắn mở tập, “Tắm sông” khéo léo gói vào đó câu chuyện yêu thương từ vòng tay cha ấm áp, đỡ nâng từ những cái chập chủm đầu tiên trên sóng nước. Ở đó có những “tị hiềm” trẻ nít trong những cuộc đua lội sông, thiệt dễ thương. Ở đó còn có bài học về bảo vệ môi trường nhẹ nhàng, thiết thực từ cách nghĩ, cách làm của con nít xứ này.

Hết thảy có 11 truyện trong quyển sách nhỏ này. Đầy ắp yêu thương qua những câu chuyện dung dị, gần gũi với thiếu nhi. “Ba bé Ngoan về”, “Lụm Còi”, “Ông ngoại”, “Áo Tết”, “Tết cho cô”, “Những con mèo bé nhỏ”, người đọc thấy tuổi thơ ngọt ngào của mình trong đó. Ngọt, không vì vật chất. Ở đó, những giá trị tinh thần luôn âm ỉ chờ lúc thăng hoa, ươm mật. Chỉ cần biết khơi nguồn là tỏa rạng mênh mang. Với trẻ con phố thị ngày nay, những câu chuyện sẽ có ít nhiều lạ lẫm. Nhưng miền trẻ thơ sông nước Cửu Long đủ sức gợi tưởng cho bạn đọc nhỏ tuổi những câu chuyện thi vị, trong sáng, hồn hậu như cỏ cây, hoa lá.

Trong tuyển tập này, có những câu chuyện không chỉ dành riêng cho thiếu nhi. Hình tượng người mẹ Việt Nam qua chiến tranh và hòa bình được khắc họa vừa vặn. Dụng ý xây dựng nhân vật điển hình, chi tiết điển hình không quá rõ nét. Nhờ vậy, các nhân vật luôn gần gũi như trong một gia đình, một dòng họ. Tác giả khéo léo gợi và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nít về cái nghĩa ở đời, cái ơn với thế hệ đi trước. “Người mẹ vườn cau”, “Giàn bầu trước ngõ”, “Bà cô” là những câu chuyện có thể làm người lớn băn khoăn, trăn trở. Trong hành trình trưởng thành của những đứa-trẻ-năm-xưa có lúc nào đó vô tâm đánh rơi những tình cảm đáng quý đã nuôi lớn chính mình?

“Xa xóm Mũi” là truyện ngắn cuối tập, đúng kiểu của Nguyễn Ngọc Tư. Truyện không phải là chi tiết, nhưng chi tiết cấu thành truyện. Các chi tiết, dù là viết cho thiếu nhi, người đọc cũng dễ dàng nhận ra sự chắt lọc đặc trưng của nhà văn đất Mũi. Một cậu bé tật nguyền vì sốt bại liệt ở miền sông nước. Cậu vĩnh viễn không thể biết lội như trẻ nít miệt này. Một thiệt thòi quá lớn. Bù lại, tình thương của ông ngoại và má đã nuôi lớn tâm hồn, khát vọng học giỏi của cậu bé xóm Mũi để lớn lên mần bác sĩ chữa bịnh cho bà con. Ngày ông ngoại mượn xuồng đưa thằng cháu lên phố huyện trọ học, qua cửa sông, nó không quên thầm vẫy chào ba nó. “Phía có ba là biển”. Ba nó ở lại biển từ hồi nó 8 tuổi, hồi một cơn bão lớn tàn phá xóm Mũi...

Kể từ tập “Ngọn đèn không tắt” năm 2000 đến nay mới lại được đọc những câu chuyện trong trẻo – không đau đời, không dằn vặt, tủi hờn thân phận của Nguyễn Ngọc Tư. Một cảm giác nhẹ nhàng, dung dị, yêu thương đong đầy.

Trao đổi về những từ, cụm từ chưa thật phù hợp với cách nói và viết của người miền Tây trong tập sách này, Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ đây là những truyện được viết khá lâu rồi. Trong lần tái bản tháng 7/2016, tác giả vẫn giữ nguyên những gì đã viết - như là một cách giữ gìn nét hồn hậu từ những ngày mới cầm bút viết cho thiếu nhi.

ĐÌNH THẢO

(*) Nhà xuất bản Kim Đồng, tái bản lần thứ 1 - tháng 7/2016

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn