Nhà văn Phạm Thị Toán - Người thành công với thể loại ký

Cập nhật ngày: 31/10/2022 11:16:13

ĐTO - Nhà văn Phạm Thị Toán là 1 trong 4 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện cư ngụ tại miền Đất Sen hồng. Nếu Thai Sắc, Hữu Nhân chủ yếu viết thơ và lý luận - phê bình, Nguyễn Phước Thảo thiên về viết tiểu thuyết và truyện ngắn thì Phạm Thị Toán được nhắc đến như là một cây bút chuyên sáng tác thể loại ký. Nói không ngoa, ở Đồng Tháp hiện nay, Phạm Thị Toán là một trong không nhiều những tác giả tiêu biểu của thể loại văn chương xung kích này.

Thoạt đầu, khi mới bén duyên với sáng tác văn chương, Phạm Thị Toán “thử sức” bằng truyện ngắn. Bằng chứng là cuốn sách đầu tay của chị (“Ánh trăng”, NXB Văn nghệ, 2008) đã đăng hai truyện ngắn tiêu biểu: “Ánh trăng”, “Chỗ đứng” và một số truyện ký khác). Tuy nhiên, sau đó, dường như, chị chuyển hẳn sang thể loại ký (hai cuốn sách tiếp theo: “Sơn Tinh thời nay”, NXB Hội Nhà văn, 2012 và “Sống mãi với thời gian”, NXB Hội Nhà văn, 2017, Phạm Thị Toán chọn in “toàn tòng” thể loại ký).

Viết ký cứ ngỡ là dễ, nhưng nhập vào “vương quốc” của thể loại này, với những thao tác mang tính “bếp núc” đặc trưng, nhất là tiêu chí tối thượng: tuyệt đối trung thành với sự thực cuộc sống 100% khi tiếp cận, khai thác, mới thấy hết cái khó của nó. Ký báo chí đã khó, ký văn chương càng khó hơn (nếu muốn phân ra một cách quá rạch ròi hai khái niệm này). Phạm Thị Toán biết mình đủ năng lực sáng tạo để theo đuổi thể loại truyện ngắn, trong đó, phẩm chất hư cấu cho phép nhà văn thỏa sức tưởng tượng, nhưng chị đã “chuyển hướng” một cách tự nguyện, chọn ký như là con đường tốt nhất, thậm chí là con đường “độc đạo” trong sự nghiệp văn chương. Nói đến Phạm Thị Toán là nói đến tập hợp các tác phẩm ký, hiện hữu trong 3 cuốn sách đã in và trong hàng trăm tác phẩm công bố trên báo chí Trung ương, địa phương suốt mấy chục năm qua.

Chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm ký của Phạm Thị Toán là tiếp cận, khám phá, tôn vinh, ngợi ca... cuộc sống và con người trên dải đất hình chữ S, đặc biệt là trên miền Đất Sen hồng - quê hương thứ hai của chị. Theo cảm nhận riêng của tác giả bài viết này, có 3 mảng đề tài, chủ đề mà Phạm Thị Toán rất quan tâm khai thác, coi đó như “xương sống” của hệ thống tác phẩm ký của mình:

1. Lĩnh vực “tam nông”, nơi chị đã một thời gắn bó với tư cách là chuyên gia ngành thủy sản tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp. Có thể ví von, trong toàn bộ tác phẩm ký của mình, đề tài này như là một ưu tiên “đặc tả” của Phạm Thị Toán, nó không chỉ thể hiện sinh động sự gắn bó, am hiểu một cách sâu sắc của chị về nông nghiệp, nông thôn, nông dân mà còn nói lên định hướng sáng tác đúng đắn, với tư cách một nhà văn, đối với vùng đất mình đang sinh sống, trong đó, nông nghiệp vẫn là cơ cấu chủ chốt của nền kinh tế. Chỉ trích ghi tên một số tác phẩm, cũng có thể nhận ra rõ điều này: “Cá rô đồng Tân Hội Trung”; “Chuyện nuôi tôm luân canh trên ruộng lúa”; “Chuyện về ông Hứa Văn Điển, nông dân sản xuất giỏi ở Cù lao Chim”; “Cá tra: SOS”; “Anh nông dân Mỹ Hiệp với bầy ngạc ngư”; “Có những trái nhãn mang tên Út Hiện”... Nhìn chung, ở mảng đề tài này, Phạm Thị Toán, một mặt tiếp cận nhanh nhạy, kịp thời phản ánh những “điểm sáng”, mới, độc đáo trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, mặt khác, qua đó, nhà văn ca ngợi, tôn vinh những điển hình “tam nông”, coi đó như là những tấm gương sáng cần noi theo, không chỉ với nhà nông mà còn với cả xã hội.

2. Lĩnh vực truyền thống cách mạng và lịch sử hào hùng của đất nước, quê hương được Phạm Thị Toán tiếp cận, khai thác với tần suất cao, với số lượng tác phẩm nhiều. Đề tài, chủ đề này bắt đầu từ chính gia đình chị và gia đình chồng, sau đó lan ra phạm vi rộng hơn, nhưng bao giờ cũng hướng đến miền Đất Sen hồng như là một “duyên nợ” đặc biệt của nhà văn. Những tác phẩm như: “Cha tôi”; “Mẹ tôi”; “Ký ức một thời”; “Đêm giải phóng Thanh Mỹ”; “Trung đoàn 320”... không chỉ kể lại những câu chuyện, những nhân vật một thời góp phần làm nên lịch sử oai hùng của đất nước mà hơn thế, còn là một gửi gắm với hậu thế thông điệp về giá trị của hòa bình, về sứ mệnh thiêng liêng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi rất thích tác phẩm “Mẹ tôi” của Phạm Thị Toán, không chỉ vì đây là một bút ký hay về công lao sinh thành, dưỡng dục của người mẹ mà hơn thế, còn là những trang văn sinh động mô tả sự hy sinh của người phụ nữ tham gia cách mạng, kháng chiến với biết bao thử thách, gian khổ, tra tấn, lao tù..., nhưng đã vượt lên tất cả, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

3. Những con người có thực trong cuộc sống, thường rất bình dị, nhưng công việc, sự dâng hiến và hình ảnh đẹp, tiêu biểu, sống động của họ hiện lên như những nhân vật huyền thoại, được Phạm Thị Toán quan tâm tiếp cận, tìm hiểu, mô tả một cách kịp thời, sâu sắc. Đây cũng chính là một trong những “thế mạnh” của Phạm Thị Toán khi viết ký. Nếu không quá cực đoan, tôi cho rằng, mảng ký về đề tài này của Phạm Thị Toán chiếm số lượng lớn nhất và “tiếng tăm” nó để lại cũng ngân vang nhất. Nếu trong cuốn sách đầu tay - “Ánh trăng” - có: “Con của chúng tôi - con của Nhân dân”; “Cuộc chiến đầu thầm lặng”; “Đi theo cách mạng phải đi đến cùng”...; trong cuốn sách thứ hai - “Sơn Tinh thời nay” - có: “Chị đã sống như thế”; “Sơn Tinh thời nay”... thì trong cuốn sách thứ ba - “Sống với thời gian” - có: “Người cựu chiến binh năm xưa”; “Ông là niềm tin của chúng tôi vào cách mạng”... Ở mảng đề tài, chủ đề này, có thể nói, tác phẩm “Sơn Tinh thời nay” của Phạm Thị Toán - viết về ông Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Trạng Sư trầm mình cùng người dân chống lũ dữ - là một thiên bút ký thành công nhất. Đã rất lâu, người đọc mới được chiêm ngưỡng một hình tượng người thật, việc thật - chân dung người cán bộ cách mạng đã được điển hình hóa một cách ngời sáng và đẹp đẽ đến thế.

Nhìn vào danh sách dài giải thưởng thuộc các tác phẩm ký (từ trước đến nay) mà nhà văn Phạm Thị Toán đạt được, trong đó có nhiều giải thưởng “danh giá”, mới thấy, nhận định nêu ở phần đầu bài viết này là hoàn toàn xác đáng. Ở đây, chỉ xin nêu minh họa vài giải thưởng “lớn”: 3 giải B - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp lần thứ I (năm 2008), lần thứ II (năm 2011) và lần thứ III (năm 2016); 2 tặng thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm 2009 và 2012); giải Nhất cuộc thi viết “Tự hào nông dân Việt Nam” (năm 2014); đạt 2 giải cuộc thi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân (năm 2016) và về đề tài thương binh - liệt sĩ (năm 2017)...

Tin rằng, nhà văn Phạm Thị Toán mãi sung sức và tiếp tục gặt hái thành công trên con đường sáng tạo văn chương, nhất là ở thể loại ký.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn