Cần tích cực phòng ngừa bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 07/09/2015 12:09:30

Gần đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp tiếp nhận số ca sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) tăng. Điều này, một lần nữa nhắc nhở mọi người tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh.


Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang được điều trị
tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Sốt xuất huyết “không chừa” người lớn, trẻ em

Trong tháng 8/2015, Khoa Truyền nhiễm - BVĐK Đồng Tháp tiếp nhận 172 ca SXH, trong đó có 1 trẻ ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông tử vong do nhập viện trễ, có 7 ca bị sốc và sốc nặng. Bên cạnh nhiều trẻ nhập viện do SXH, trong tháng, BVĐK Đồng Tháp cũng ghi nhận 28 ca người lớn nhập viện do bệnh này.

Được biết, số ca mắc SXH trong tháng 8/2015 tăng gần gấp đôi so với tháng trước đó, những ca nặng lại rơi vào các khu vực ít xảy ra dịch SXH (do người dân ít cảnh giác với bệnh). Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm - BVĐK Đồng Tháp cho biết, bệnh SXH có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, thế nhưng không ít người lớn lại chủ quan trước dịch bệnh này như ngủ trưa không giăng mùng, không chú ý diệt lăng quăng, muỗi. Tỷ lệ sốc trong tháng 8/2015 chỉ bằng khoảng 50% so cùng kỳ năm trước, tuy nhiên các ca đều sốc nặng hơn do bệnh nhân nhập viện muộn. Chẳng hạn như trường hợp tử vong trong tháng 8 vừa qua khi nhập viện, các BS đã tích cực túc trực theo dõi, điều trị suốt đêm tại khoa, đồng thời tham vấn chuyên môn từ xa với Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) nhưng do bệnh nhân nhập viện quá trễ dẫn đến xuất huyết rất nhiều ở răng, mắt,...

Do đây là thời điểm mùa mưa nên muỗi gây bệnh SXH phát triển rất nhanh tại các lu, khạp, vỏ dừa, vỏ hộp cơm,... Để phòng bệnh, khi ngủ vào ban đêm lẫn ban ngày thì người dân nên giăng mùng, cần vệ sinh sạch sẽ quanh nhà như: không để nước mưa ứ đọng trong các gáo dừa, lon, vỏ hộp, phát quang cây cối quanh nhà, kể cả lá môn - vì lá này có thể chứa nước mưa, mắc quần áo gọn gàng tránh muỗi trú vào.


Người lớn cũng dễ dàng mắc bệnh sốt xuất huyết

Số ca nhập viện tay chân miệng cao

Bên cạnh số ca mắc SXH nhập viện cao thì số ca mắc TCM vào nhập viện tại BVĐK Đồng Tháp cũng đáng báo động. Hiện trung bình mỗi ngày, Khoa Truyền nhiễm - BVĐK Đồng Tháp tiếp nhận trên 20 ca mắc TCM, đa phần trẻ dưới 7 tuổi. Hầu hết người nhà bệnh nhân khi được hỏi cách phòng bệnh đều trả lời là có phòng ngừa bệnh cho trẻ nhưng BS cho biết tất cả đều vệ sinh không đúng cách. Chị N.H.L. ngụ ấp Đông Hòa, xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh cho biết, con chị 19 tháng tuổi bị mắc TCM 2 ngày nay. Khi bị bệnh bé quấy khóc rất nhiều, sốt. Chị có đưa bé đi khám bên ngoài, BS nói bé bị sốt, thấy điều trị 1 ngày nhưng không thuyên giảm nên chị đưa bé vào bệnh viện điều trị mới biết con bị TCM. Cũng theo chị L., chị không rửa tay thường xuyên cho bé bằng xà bông, chỉ tắm mới vệ sinh bé bằng xà bông.

BS Nguyễn Thị Hồng Thắm cho rằng, bệnh TCM chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa nên người dân cần nâng cao ý thức trong việc thường xuyên vệ sinh tay bằng xà bông cho trẻ và kể cả rửa tay cho phụ huynh. Không chỉ bệnh SXH mà cả bệnh TCM, khi phát hiện có dấu hiệu bệnh cũng cần nhập viện điều trị sớm để tránh bệnh diễn biến nặng.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn