XÃ BÌNH PHÚ:
Chủ động chuyển đổi cây trồng chịu khô hạn
Cập nhật ngày: 01/04/2016 13:31:35
Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt là tình hình khô hạn như hiện nay, Đảng ủy xã Bình Phú, huyện Tân Hồng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi trồng các loại cây phù hợp, giúp nông dân có thêm thu nhập.
![](/database/image/2016/04/01/t%203-1.JPG)
Cây mè và đậu phộng được nông dân xã Bình Phú chọn trồng nhiều trong mùa khô
Mùa khô năm nay, tình hình khô hạn diễn ra khá gay gắt so với mọi năm. Suốt mấy tháng qua, hầu như không có mưa trái mùa, cùng với mực nước xuống thấp và nắng nóng đã gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã Bình Phú đã chủ động lãnh, chỉ đạo nông dân chuyển sang trồng hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày (có nhiều loại cây có thể chịu khô hạn).
Xã Bình Phú có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 3.600ha, trong đó đất gò trên 900ha. Địa phương đã quy hoạch vùng và đầu tư xây dựng đê bao lửng để trồng luân canh 2 vụ lúa - 1 vụ màu, cây công nghiệp ngắn ngày với diện tích 150ha.
Đồng chí Phan Công Luận - Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú cho biết: “Năm nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mực nước sông ở địa phương thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước. Đảng ủy xã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nông dân trồng các loại cây thích hợp trong mùa khô, giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Cùng với đó, địa phương phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ cho nông dân”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Bình Phú lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 có đề ra chỉ tiêu: Hàng năm, trồng hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày là 200ha (kể cả diện tích trồng cỏ nuôi bò). Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, vụ xuân hè năm nay toàn xã Bình Phú trồng hơn 260ha màu và cây công nghiệp ngắn ngày (đậu xanh, dưa hấu, ớt, đậu phộng...), đặc biệt trong đó có gần 130ha mè. Đồng chí Phan Công Luận thông tin: Diện tích trồng mè nhiều do điều kiện đất đai thích hợp; nhẹ công chăm sóc; tốn ít nước tưới và vốn đầu tư... Tuy nhiên, địa phương còn băn khoăn cho đầu ra của nông sản, nhất là cây mè do chưa thành lập được hợp tác xã và chưa xây dựng được thương hiệu mè Bình Phú. Đến thu hoạch, nông dân phải tự tìm thương lái nên giá cả không ổn định. Xã rất mong muốn sẽ liên kết được với công ty để đảm bảo đầu ra cho cây mè.
Năm 2015, anh Nguyễn Văn Thương (SN 1981) ở ấp Công Tạo lời hơn 10 triệu trồng từ 2ha mè. Vụ xuân hè năm nay, anh mạnh dạn thuê thêm đất để trồng mè với diện tích 10ha. Anh Thương cho biết: “Cây mè tốn rất ít nước tưới, phù hợp với điều kiện thời tiết hiện nay. Sau vụ mè, làm lúa sẽ nhẹ phân, ít sâu bệnh lại có năng suất hơn. Chi phí mỗi công mè từ 1,2-1,5 triệu đồng, nếu bán được 35.000 đồng/kg thì có lời. 10ha mè của tôi đang chuẩn bị thu hoạch và khoảng 1 tháng mới thu hoạch xong. Vấn đề lo lắng nhất của tôi lúc này là giá cả, sợ mè sẽ xuống giá. Tôi rất mong liên kết với công ty trong tiêu thụ để giá bán ổn định hơn”.
Thực hiện chủ trương của địa phương, mùa khô năm nay, thay vì bỏ đất trống, chú Nguyễn Trung (NS 1969) ở ấp Gò Da cũng đã trồng 2 công đậu phộng. “Trồng đậu phộng có chi phí đầu tư trên 4 triệu đồng/công nhưng ít tốn nước tưới. Khoảng nửa tháng nữa là thu hoạch, ước năng suất mỗi công khoảng 500-600kg đậu tươi. Hiện với giá bán hơn 12.000 đồng/kg thì tôi có lời, chỉ sợ vào vụ lại rớt giá” - chú Trung cho hay.
Trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nhất là nắng nóng kéo dài, việc chọn trồng những loại cây chịu khô hạn như mè, đậu phộng... là giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, việc đảm bảo đầu ra cho các loại cây trồng trên vẫn còn là “bài toán” khó. Hơn ai hết, nông dân rất mong “bài toán” này sớm có lời giải để bà con an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
NHỰT AN