Chủ động tìm nguồn cung cấp cho thị trường xuất khẩu lao động

Cập nhật ngày: 18/11/2015 12:14:23

Thông qua các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm tại các trường nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL), người lao động (LĐ) tiếp cận được nghề, chủ động hơn khi đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, gọi tắt là xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tìm nguồn LĐ cung cấp cho thị trường XKLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện phân luồng học sinh (HS), tư vấn nghề, định hướng chọn đối tượng tham gia XKLĐ là người có nhu cầu thực sự.


Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tham gia phỏng vấn xuất khẩu lao động

Trong 6 tháng đầu năm 2015, các đơn vị dạy nghề đã tuyển sinh đào tạo được 7.327 học viên, đạt 36,64% kế hoạch năm. Trong đó, cao đẳng nghề 431 học viên, trung cấp nghề 308 học viên, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 6.588 học viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở tỉnh ước đến cuối năm 2015 đạt 55,5% (tăng 3,1% so với năm 2014), trong đó qua đào tạo nghề đạt 40% (tăng 2,8% so với năm 2014).

Cùng với công tác đào tạo nghề, các đơn vị dạy nghề có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người học, chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra cho người học. Hàng tháng, TTDVVL phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức sàn giao dịch việc làm để định hướng cho thanh niên, người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình. Mỗi lần tổ chức, phiên, sàn giao dịch việc làm thu hút gần 500 lượt người đến tìm hiểu thông tin về các thị trường LĐ ngoài tỉnh. Em Nguyễn Đăng Khoa ngụ đường Điện Biên Phủ, phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh cho biết: “Em tham gia học nghề xây dựng tại TTDVVL; từng tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm tại TTDVVL, em biết thị trường Nhật tuyển LĐ cả nam, lẫn nữ làm các nghề như dập kim loại, gia công cơ khí, may công nghiệp, lao động xây dựng... Em cũng đang tìm hiểu thông tin, nếu đây là thị trường tốt, em sẽ xin gia đình tham gia XKLĐ”.

Để tìm nguồn thanh niên tham gia XKLĐ, Sở GD&ĐT cùng các trường thực hiện công tác phân luồng HS, định hướng các em học nghề, tham gia làm nghề tại các thị trường trong, ngoài nước. Tuy nhiên, việc tư vấn gặp không ít khó khăn do phụ huynh ít chịu cho đăng ký học nghề vì ngại tuổi còn nhỏ, không muốn con em đi xa gia đình, muốn con em học thời gian ngắn để có việc làm ngay và thu nhập cao. Do đó, sau mỗi kỳ tuyển sinh, tỷ lệ học sinh phân luồng sang học nghề ngay sau tốt nghiệp THCS rất thấp, thậm chí có một số địa phương không có học sinh đăng ký học nghề. Giải quyết vấn đề này, TTDVVL, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với địa phương tăng cường công tác tư vấn tuyên truyền, đồng thời phối hợp với hội đoàn thể địa phương để vận động đoàn viên, thanh niên địa phương tham gia học nghề, đăng ký XKLĐ. Sau thời gian triển khai thực hiện, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 500 người đi XKLĐ, 497 người có công việc ổn định, thu nhập cao.

Trước những lợi thế do XKLĐ mang lại và chủ động tìm nguồn lao động XKLĐ, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn với nhiều hình thức rõ ràng, cụ thể tới người dân, nhất là những người ở độ tuổi LĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; triển khai, thực hiện kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 18/11/2014 của UBND tỉnh về thực hiện công tác đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2014-2016; phấn đấu đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài năm 2015 trên 576 LĐ (bình quân mỗi xã, phường, thị trấn đưa 4 LĐ), năm 2016 đưa trên 864 LĐ (bình quân mỗi xã, phường, thị trấn đưa 6 LĐ).

XKLĐ mang lại lợi nhuận lớn không chỉ cho cá nhân, gia đình người LĐ mà còn tạo điều kiện để người LĐ thích ứng với công việc tại các nước hiện đại, rèn kỹ năng ngoại ngữ, tác phong công nghiệp.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn