Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường hộ nghèo
Cập nhật ngày: 23/12/2015 10:32:21
Từ ngày 16/12, toàn tỉnh đã ra quân tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm và ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2015. Trong đợt tổng điều tra này, tiêu chí xác định những đối tượng trên sẽ được thực hiện theo Quyết định số 1614 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
![](/database/image/2015/12/23/t%209-3.JPG)
Hộ nghèo sẽ được xét dựa trên mức thu nhập và mức thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản
Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 gồm: tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (DVXHCB); tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận DVXHCB bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các DVXHCB gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Cụ thể với chuẩn nghèo mới, hộ nghèo được phân loại như sau: hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: có thu nhập bình quân từ đủ 700.000 đồng/người/tháng trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân trên 700.000 đồng/người/tháng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các DVXHCB trở lên. Hộ nghèo ở khu vực thành thị là hộ đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: có thu nhập bình quân từ đủ 900.000 đồng/người/tháng trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân trên 900.000 đồng/người/tháng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các DVXHCB trở lên.
Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn: có thu nhập bình quân trên 700.000 đồng/người/tháng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các DVXHCB trở xuống. Hộ cận nghèo ở khu vực thành thị: có thu nhập bình quân trên 900.000 đồng/người/tháng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các DVXHCB trở xuống.
Hộ có mức sống dưới trung bình ở khu vực nông thôn: có thu nhập bình quân từ đủ 1 triệu đồng/người/tháng đến 1,5 triệu đồng. Hộ có mức sống dưới trung bình ở khu vực thành thị: có thu nhập bình quân 1,3 triệu đồng/người/tháng đến 1,95 triệu đồng.
Như vậy, giờ đây, hộ nghèo không chỉ xét dựa trên mức thu nhập mà còn tính đến mức độ thiếu hụt tiếp cận các DVXHCB như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin. Với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều này, người nghèo sẽ được phân loại, chấm điểm một cách kỹ lưỡng để tìm ra căn nguyên khó khăn thực sự, từ đó có chính sách hỗ trợ, giảm nghèo tương ứng, đồng thời sẽ xóa bỏ rào cản, hạn chế của các chính sách giảm nghèo hiện tại như: phân loại đối tượng, đánh giá mức độ và nguyên nhân nghèo đói chưa thực sự chính xác vì chưa phản ánh được đầy đủ các nhu cầu cơ bản cũng như thực trạng tiếp cận các DVXHCB, không đáp ứng được nhu cầu đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân,...
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến thời điểm này, Sở đã hoàn thành triển khai tập huấn quy trình và công cụ điều tra đến tuyến cơ sở; các địa phương đang tiến hành điều tra. Theo kế hoạch đến ngày 15/1/2016 sẽ có danh sách chính thức kết quả điều tra. Kết quả điều tra này sẽ là cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo được thuận lợi trong giai đoạn mới; là cơ sở xác định mức thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các DVXHCB của người dân, xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo; căn cứ quan trọng để hoạch định giải pháp, chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020.
BÍCH LIỄU