Chuyện về cô Tám xây cầu nông thôn
Cập nhật ngày: 07/02/2022 05:33:19
ĐTO - Xây cầu, làm đường - trong ý nghĩ của mọi người thường là công việc của cánh đàn ông. Vậy mà, ở Đồng Tháp có một người phụ nữ luôn nhiệt huyết với công việc này, đó là cô Tám ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc. Bao năm qua, cô đã tích cực vận động các mạnh thường quân quyên tiền, góp công sức nối những nhịp cầu giúp cho người dân miền quê đi lại dễ dàng…
Cô Tám livestream để mạnh thường quân theo dõi tiến độ thi công công trình
Hơn 15 năm lặng lẽ xây cầu
“Biết cô Tám từ hơn 9 năm trước, tôi rất quý những việc cô làm nên quyết định theo phụ cô xây cầu. Cô Tám là người nói ít làm nhiều. Tôi thường tranh thủ theo cô đi xây cầu với mong muốn góp chút công sức giúp cô đỡ cực nhọc phần nào”, chú Nguyễn Văn Kiệt - Đội trưởng đội xây cầu số 2 (TP Sa Đéc) chia sẻ.
Cô Tám là tên gọi thân thương mà các cô, chú ở Đội xây cầu số 2 gọi cô Tống Thanh Mai (sinh năm 1949, ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) - Chi hội trưởng Chi hội Cầu đường Sa Đéc, người phụ nữ hơn 15 năm thầm lặng với công việc vận động, góp sức xây dựng cầu cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Hôm gặp chúng tôi, cô Tám đang đi khảo sát tiến độ xây cầu ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành. Theo chân cô, mới cảm nhận được nhiệt huyết của người phụ nữ này. Con đường dẫn vào kênh Tầm Vu khá nhỏ, đá lởm chởm chỉ vừa một chiếc xe máy chạy qua, ấy vậy mà cô Tám lái xe rất điêu luyện. Cô nói, làm công việc này ngoài có sức khỏe còn phải chạy xe giỏi mới theo nổi... Không kịp nghỉ ngơi, vừa đến nơi cô vội vã hỏi thăm mọi người về tình hình tiến độ xây dựng cầu, phụ giúp các chú Đội xây cầu số 2 làm một số việc - cũng là cách động viên tinh thần anh em...
Tranh thủ lúc cô nghỉ tay để uống vội ly nước, chúng tôi có dịp trò chuyện thân mật hơn với cô. Kể về câu chuyện của mình, cô cho biết, cô là một bác sĩ từng phụ trách công tác dân số, nghỉ hưu năm 2005, từ đó cô dành phần nhiều thời gian đi xây cầu nông thôn cho đến nay. Cô tâm sự: “Năm 1989, trong một lần đi làm công tác dân số, thấy các em ở vùng quê phải đội nắng đội mưa chờ đò vì không có cầu qua sông khiến tôi ray rứt. Từ đó, tôi mới có ý định vận động xây cầu cho các em học sinh đi học và người dân nông thôn qua lại dễ dàng hơn ”.
Cô Tám cho biết, 4 năm đầu chủ yếu cô lấy tiền dành dụm của gia đình (khoảng 500 triệu đồng) để đi xây cầu, về sau bạn bè, người thân thấy việc cô làm có ích cho xã hội nên cùng góp tiền, góp sức xây dựng. Thời điểm năm 2005, chuyện đi làm cầu rất cực khổ, chủ yếu thuê những người biết xây dựng giám sát việc thực hiện các phần việc, còn khâu trực tiếp xây dựng phải nhờ lực lượng tại chỗ ở các địa phương giúp sức... Bây giờ điều kiện thuận lợi hơn trước rất nhiều, có 3 đội xây cầu (mỗi đội khoảng 20 người) cùng cô xuyên suốt, đi khắp nẻo đường xây dựng.
Cô Tám thăm hỏi tình hình tiến độ xây dựng với các chú ở Đội số 2
Động lực gắn bó với việc thiện nguyện
Hơn 15 năm cần mẫn làm công tác từ thiện, khi được hỏi số lượng cầu cô từng xây dựng đến nay là bao nhiêu? Cô Tám vui vẻ đáp: “Tôi không nhớ chính xác bao nhiêu, độ chừng 300 cây cầu gì đó, chỉ biết nơi nào cần là tôi đi vận động mạnh thường quân góp sức làm, mỗi cây ít nhất 200 triệu đồng, nhiều nhất là trên 500 triệu đồng (chiều ngang 3,5m, tải trọng 2,5 tấn trở lên), mọi khoản thu chi đều thông tin minh bạch nên các mạnh thường quân hỗ trợ rất nhiệt tình”.
Ở tuổi 73, cô Tám vẫn rất nhanh nhẹn cùng các anh, các chú trong đội xây cầu đi khắp các nẻo đường. Mỗi công trình sau khi hoàn thành, cô thường chụp hình, livestream để các mạnh thường quân thấy được tiến độ thi công, cách thực hiện của đội có hiệu quả hay không. Thường mỗi cây cầu có thời gian xây khoảng 3 tháng sẽ hoàn thành, đó cũng là khoảng thời gian cô theo các thành viên của đội giám sát từng công đoạn. Cô chia sẻ, may mắn của cô là gia đình luôn ủng hộ và tạo điều kiện để cô hoàn thành “tâm nguyện trả ơn đồng đội” của mình trong những ngày còn khỏe mạnh.
Cô Tám Mai kể, từ năm 14 tuổi cô đã tham gia phong trào đấu tranh của học sinh Sa Đéc, trải qua nhiều gian nan, tù đày trong kháng chiến chống Mỹ. May mắn đến thời điểm hòa bình, cả gia đình cô đều được bình an. Vì vậy, cô có ý nguyện quay lại những vùng kháng chiến ngày xưa mình đã đi qua để đền ơn đáp nghĩa với những nơi đã cưu mang mình. Từ ý nguyện đó mà công việc xây cầu nông thôn cứ gắn bó với cô như một duyên nợ.
Là một bác sĩ theo đuổi quyết tâm làm việc thiện với mong ước góp chút công sức làm việc có ích cho đời, động lực lớn nhất đối với cô là niềm vui của người dân khi được đi trên cây cầu mới. “Có lần cầu mới xây xong, có cụ ông trên 90 tuổi đi qua cầu, tâm sự rằng cả đời ông chưa từng nghĩ sẽ được đi qua cây cầu bê tông trên những con đường quê thế này. Chính tấm lòng của bà con đã động viên cô tiếp tục gắn bó với công việc này” - cô Tám tâm sự.
Đến nay, ở TP Sa Đéc đã có 3 đội xây cầu (mỗi đội 20 người - những chú, những anh từ 40 - 70 tuổi) đồng hành cùng cô Tám trên con đường thiện nguyện. “Tôi nguyện khi nào còn sức khỏe, còn chạy xe nổi thì vẫn cùng mọi người góp sức vận động xây cầu. Tôi luôn tâm niệm, mỗi ngày đi qua mình phải làm việc gì có ích, không để lãng phí thời gian dù chỉ một giây - đó cũng là lời dạy của Bác tôi luôn ghi nhớ trong lòng suốt quãng đời hoạt động cách mạng cũng như khi gắn bó với công việc ngày hôm nay...” - cô Tám nhẹ nhàng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh nhận xét, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình “không cầu danh lợi, hoạt động vì nhu cầu, niềm vui và sự tin yêu của Nhân dân”. Trong đó, hình ảnh những người phụ nữ tích cực, hoạt động thiện nguyện như cô Tám Mai đã trở thành điểm sáng cho tinh thần cống hiến vì xã hội. Cô là người phụ nữ bình thường nhưng cũng rất phi thường. Với tấm lòng sáng trong, cô đã góp sức hình thành hàng ngàn cây cầu giao thông nông thôn kiên cố, góp phần tạo sự phát triển chung cho quê hương...
|
Mỹ Nhân