Chuyện về “nữ vệ sĩ”
Cập nhật ngày: 31/12/2012 05:45:38
Khi nhắc đến nghề vệ sĩ, người ta thường nghĩ đến “phái mạnh”, tuy nhiên trong thế giới của các vệ sĩ cũng có không ít những “bóng hồng” gắn bó, tận tụy với nghề.
Nghề chọn người
Mới xế chiều, nhưng vì chưa có người vào ở nên khu Ký túc xá sinh viên ở phường 6, thành phố Cao Lãnh vắng lặng. Với trách nhiệm được giao, nữ vệ sĩ Nguyễn Thị Tuyết Phương rảo quanh khu Ký túc xá để quan sát tình hình. Thấy người lạ, có vẻ khả nghi, vệ sĩ Phương liền tiến lại gần hỏi thẳng: “Cậu đến đây tìm gì?”. Sau khi biết tôi là phóng viên đến muốn tìm hiểu về những người làm nghề vệ sĩ như chị, sau một hồi ngập ngừng, chị Phương vui vẻ tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của mình.
Nữ vệ sĩ Tuyết Phương kiểm tra hệ thống điện nơi mình bảo vệ
Chị Phương vốn là dân xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh trước đã từng làm việc ở Hội Phụ nữ của xã. Sau đó thấy công ty vệ sĩ tuyển người, chị liền đăng ký. Sau khóa huấn luyện nghiệp vụ, võ thuật, người phụ nữ có chiều cao xấp xỉ 1m70, nặng gần 60kg này đã trở thành vệ sĩ.
Chị Phương bảo, nghề vệ sĩ như làm dâu trăm họ. Để trụ vững với nghề, yêu cầu đầu tiên của người vệ sĩ là phải có đạo đức. Ngoài ra, còn phải là người có tính kiên quyết, thẳng thắn, rõ ràng. Bản thân người vệ sĩ cũng phải biết mềm mỏng trong nhiều tình huống để người ta hiểu và chấp hành quy định.
Đã đầu quân cho 3 công ty bảo vệ - vệ sĩ, hiện tại 44 tuổi và đã có 7 năm trong nghề, chị Phương là một trong những nữ vệ sĩ có thâm niên nhất của Công ty Bảo vệ Trường Sơn, thành phố Cao Lãnh. Chị Phương cho hay, ở Công ty của chị lúc cao điểm có 40 - 50 nữ vệ sĩ nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, có rất nhiều nữ đồng nghiệp đã bỏ nghề, hiện chỉ còn trên dưới 10 người nữ.
Làm cùng Công ty với chị Phương, đến nay chị Trần Thị Kim Thơm (41 tuổi) quê ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh cũng đã ngót 3 năm là vệ sĩ. Chị Thơm cho biết, so với các công việc đã làm trước đây như: công nhân may, lột hạt sen... vệ sĩ là công việc phù hợp với chị, bởi từ nhỏ chị rất gan dạ nên hay bênh vực, bảo vệ những người yếu đuối, giờ được làm vệ sĩ chị rất thích.
Có cá tính mạnh mẽ, nên khi nghe Bệnh viện Thái Hòa - Thành phố Cao Lãnh có tuyển bảo vệ, chị Phạm Thị Ngọc Phượng ở phường 6, thành phố Cao Lãnh đã mạnh dạn viết đơn dự tuyển. Đến nay, chị Phượng đã vào nghề hơn 3 tháng. “Làm việc ở bệnh viện, có nhiều trường hợp thân nhân và người bệnh trong lúc chờ đợi nóng ruột, mình phải vui vẻ, kiên nhẫn và bình tĩnh giải thích để mọi người tuân thủ thực hiện theo nội quy. So với các công việc khác mà tôi đã làm như: thu ngân, kế toán... thì làm bảo vệ hay vệ sĩ như bây giờ đầu óc cũng ít căng thẳng hơn”, chị Ngọc Phương chia sẻ.
“Hung thần” của tội phạm
Đối với nghề vệ sĩ, việc bảo vệ tài sản, tính mạng của chủ hoặc đơn vị thuê là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, những vệ sĩ như chị Phương, chị Phượng, chị Thơm luôn xem việc giữ gìn tài sản của chủ như giữ gìn tài của chính bản thân mình. Do đó, những nữ vệ sĩ luôn phải trang bị cho mình một bản lĩnh và tâm lý vững vàng khi đối mặt với những tên trộm lưu manh và hung hãn.
Trong quá trình 7 năm làm vệ sĩ, chị Tuyết Phương cho biết, đã rất nhiều lần ra tay bắt trộm. Cụ thể, trong lúc còn làm bảo vệ ở Công ty Đông Đô, chị đã bắt được một tên trộm điện thoại. Hay trong lúc làm vệ sĩ ở quán cà phê Nét Việt, chị đã bắt tên trộm tiền của khách đến quán uống nước. Nữ vệ sĩ Kim Thơm cũng nhớ về kỷ niệm bắt trộm của mình: “Hôm đó, tôi đang làm vệ sĩ cho một quán nhậu, thấy có đối tượng giật túi xách trong bãi giữ xe chạy ra. Tôi liền chặn đầu nó lại. Không biết thấy mình oai quá hay hoảng sợ mà nó quăng giỏ xách lại chạy mất dạng”.
Chọn được công việc phù hợp với mức lương tương đối ổn định (trung bình hơn 3 triệu đồng/tháng), nhiều nữ vệ sĩ đã gắn bó và tận tâm với nghề hơn. Tuy nhiên, nhiều nữ vệ sĩ vẫn còn mặc cảm vì nhiều người chưa hiểu về nghề của họ khi có những ánh mắt dò xét, đầy khó chịu.
Phú Thuận