Còn nhiều khó khăn trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Cập nhật ngày: 14/11/2022 10:05:41

ĐTO - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đồng Tháp đang dần “về đích” ở các chỉ tiêu về phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ tiêu về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình còn đang gặp nhiều khó khăn. BHXH tỉnh cũng đang khẩn trương triển khai các giải pháp để tăng cường vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Đồng Tháp, đến tháng 10/2022, tỷ lệ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm 2,35%, đạt 73,20% kế hoạch, chưa đạt kế hoạch giao (theo Nghị Quyết số 78/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp năm 2022). Từ nay đến cuối năm, tỉnh cần phải phát triển tăng mới thêm 11.491 người tham gia BHXH tự nguyện.

Tỷ lệ dân số tham gia BHYT so với chỉ tiêu theo Quyết định 1004/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp đạt 88,51%, thấp hơn so với kế hoạch giao 3,52%, tương ứng với 56.436 người.

Theo bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn về BHXH tự nguyện là do năm 2022 bắt đầu thực hiện điều chỉnh tăng mức đóng theo chuẩn nghèo mới. Mức đóng BHXH tự nguyện năm 2022 tăng 2,15 lần so với năm 2021, cùng với những tác động còn lại từ dịch Covid-19, tạo khó khăn rất lớn với hầu hết BHXH các tỉnh, thành phố trong vận động BHXH tự nguyện năm 2022 và Đồng Tháp cũng không ngoại lệ. Thực tế là không chỉ khó khăn với việc vận động tăng mới, việc duy trì, giữ số người đang tham gia cũng gặp khó.

Cũng theo lãnh đạo BHXH tỉnh Đồng Tháp, mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước hiện còn thấp, thời gian đóng kéo dài nhiều năm mới được hưởng quyền lợi, người dân nông thôn chưa có thói quen tích lũy để hưởng lương hưu khi về già dẫn đến nhiều khó khăn trong vận động người dân tham gia.

Trước những khó khăn trên, trong 2 tháng cuối năm 2022, BHXH tỉnh Đồng Tháp đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện các giải pháp mạnh nhằm tăng số tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, lãnh đạo BHXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Giám đốc BHXH huyện, thành phố rà soát phân loại đối tượng chưa tham gia; chú trọng các đoàn thể nhóm “có tiềm năng” như: hội quán nông dân, hội làng nghề, nghiệp đoàn xe ba gác, mô hình khởi nghiệp của thanh niên, hội doanh nhân, nhóm tiểu thương vừa và nhỏ tại các trung tâm thương mại của tỉnh, huyện...

Trên cơ sở dữ liệu, thông tin về các nhóm tiềm năng, cơ quan BHXH phối hợp với tổ chức dịch vụ, thực hiện các cuộc hội nghị tuyên truyền theo nhóm đối tượng như đã phân loại; chia thành các nhóm nhỏ vận động tại điểm chợ hoặc trực tiếp tại nhà dân; giám sát và đôn đốc các tổ chức dịch vụ phải đảm bảo duy trì bền vững số người đang tham gia đến kỳ đáo hạn tiếp tục tham gia.

Bên cạnh phát triển BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Đồng Tháp cũng đang chú trọng tiếp tục tăng số tham gia BHYT. Theo đó, chỉ đạo tập trung phối hợp, đôn đốc kiểm tra các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp; yêu cầu BHXH các huyện phối hợp với nhà trường thực hiện thu BHYT học sinh, sinh viên (HS,SV) đạt 100%; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và nhóm người tham gia theo hộ gia đình. Với nhóm HS,SV, sẽ phối hợp với nhà trường thu BHYT HS,SV lồng ghép với các khoản thu phí của nhà trường ngay đầu năm học; rà soát, phân loại nhóm HS,SV chưa tham gia BHYT có giải pháp phù hợp từng đối tượng; phấn đấu đến ngày 15/12/2022 hoàn thành 100% HS,SV tham gia BHYT.

Với nhóm người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, cơ quan BHXH chủ động tham mưu, báo cáo UBND các cấp quan tâm hỗ trợ từ nguồn vận động mạnh thường quân tại địa phương, đồng thời vận động các các tổ chức, các nhà tài trợ hỗ trợ thêm mức đóng đối với đối tượng này.

Với nhóm tham gia BHYT hộ gia đình, theo thống kê, hiện còn trên 40.253 người tham gia năm 2021, nhưng nay đang dừng tham gia. Đây là nhóm đang gặp nhiều khó khăn do mất việc làm, thu nhập không ổn định do làm thuê... nên chưa tham gia lại. BHXH tỉnh chỉ đạo các đơn vị BHXH huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các tổ chức dịch vụ thu trực tiếp đến làm việc với lãnh đạo xã, phường, thị trấn trên địa bàn để triển khai giải pháp vận động; đề nghị UBND xã hỗ trợ phân công Tổ trưởng khóm, ấp... làm đầu mối trực tiếp đến nhà dân vận động, tuyên truyền đối với người dân dừng tham gia BHYT, tham gia lại.

Với những người dân quá khó khăn về kinh tế không thể tiếp tục tham gia BHYT, BHXH tỉnh đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ đóng BHYT 3 tháng từ nguồn ngân sách địa phương hoặc cho chủ trương UBND huyện hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa mua thẻ BHYT 3 tháng đối với người dân dừng đóng trên địa bàn; cố gắng linh hoạt các giải pháp để người tham gia lựa chọn phương thức đóng phù hợp.

“BHXH tỉnh cũng đã kịp thời báo cáo tình hình thực hiện các chỉ tiêu về BHXH, BHYT để UBND tỉnh Đồng Tháp đưa vào báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời tham mưu giải pháp chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển người tham gia những tháng cuối năm 2022 để phấn đấu đạt được 31.970 người tham gia BHXH tự nguyện theo Nghị Quyết số 78/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh và 92% bao phủ dân số tham gia BHYT theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ” - bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho biết.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn