KỶ NIỆM NGÀY CÔNG TÁC XÃ HỘI VIỆT NAM LẦN THỨ 7 (25/3/2023)

Công tác xã hội - Giá trị cao quý và nhân văn

Cập nhật ngày: 24/03/2023 09:33:57

http://baodongthap.com.vn/database/video/20230324094510ctxthj.mp3

 

ĐTO - Công tác xã hội đang được Đảng, Nhà nước quan tâm và phát triển. Công tác xã hội đã trở thành một ngành khoa học, một nghề chuyên môn ở Việt Nam. Năm nay, kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3/2023) với chủ đề “Công tác xã hội Việt Nam - Chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển” nhằm tôn vinh giá trị của công tác này.


Tập huấn công tác xã hội trong trường học (Ảnh GDĐT)

Công tác xã hội (CTXH) là hoạt động chuyên môn được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học chuyên ngành nhằm giúp đỡ các đối tượng cá nhân, nhóm, cộng đồng giải quyết những vấn đề xã hội mà họ gặp phải khiến cho họ cảm thấy khó khăn trong quá trình thực hiện những chức năng xã hội của mình. CTXH được xem là một khoa học xã hội ứng dụng và đồng thời là một nghề nghiệp được hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Đến nay, CTXH đã được phát triển rộng khắp và trở thành một ngành khoa học và nghề chuyên môn phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, CTXH có vị trí và vai trò quan trọng. Cơ sở lý luận, nội dung và các phương pháp thực hành của CTXH không ngừng được hoàn thiện cả về phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn.

CTXH có vai trò bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và là phương tiện, công cụ rất hữu hiệu để đưa chính sách xã hội, đường lối của Đảng, Nhà nước vào thực tế một cách hiệu quả. Dân tộc ta có truyền thống quý báu đó là thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và giá trị này rất phù hợp với ngành CTXH. Từ xa xưa, khi một người yếu thế, gặp hoạn nạn, cả xóm xúm vào giúp đỡ, nhưng đó chỉ là hoạt động từ thiện. CTXH thì đòi hỏi ngày phải càng mang tính chuyên nghiệp, người làm CTXH ngoài tình yêu thương con người phải nắm vững kiến thức, kỹ năng và phương pháp khoa học thì mới có thể giúp những nhóm, người yếu thế trong xã hội tự mình đương đầu và vượt qua vấn đề nan giải của bản thân.

Ở Đồng Tháp, tỉnh đã triển khai Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021 – 2030 nhằm đẩy mạnh công tác này tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH. Trước mắt, phấn đấu đến năm 2025, có 50% các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở điều trị nghiện, trại giam, trại tạm giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm CTXH; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ CTXH năm 2025 tăng 20% so với năm 2020; bảo đảm ít nhất 80% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ CTXH phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa... Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí công tác xã hội.

Kỷ niệm Ngày CTXH cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân. Tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đồng thời góp phần phát huy truyền thống tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng vượt qua hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm CTXH để cùng nhau hướng tới một xã hội ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

ĐỒNG DAO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn