Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững xã Tân Bình
Hiệu quả chưa cao

Cập nhật ngày: 24/04/2013 05:13:16

Năm 2011, xã Tân Bình (huyện Thanh Bình) có 414 hộ nghèo, chiếm 18,57% hộ dân toàn xã. Đa số các hộ này do không đất sản xuất, thiếu việc làm, làm thuê, đông người ăn theo nên rơi vào diện nghèo.

Từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã, năm 2011, UBND xã Tân Bình thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững (Dự án do Sở Lao động Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư, UBND huyện Thanh Bình làm chủ dự án).


Anh Bùi Văn Bịch nuôi bò đạt hiệu quả

Dự án có 53 hộ nghèo của xã tham gia (12 hộ nuôi bò; 5 hộ nuôi heo; 1 hộ nuôi cá; 17 hộ làm dịch vụ mua bán; 18 hộ trồng màu). Mỗi hộ được vay thấp nhất 5 triệu đồng, cao nhất 12 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng, tổng kinh phí thực hiện 740 triệu đồng (trong đó vốn cho hộ nghèo vay là 480 triệu đồng; vốn đối ứng của hộ tham gia dự án 240 triệu đồng; kinh phí hoạt động quản lý dự án 20 triệu đồng), thời gian thực hiện 30 tháng. Mục tiêu dự án phấn đấu có từ 95% trở lên hộ tham gia thoát nghèo bền vững.

Dự án thực hiện từ tháng 7/2011 đến cuối năm 2012, có 41/53 hộ thoát nghèo, (tính chung năm 2011 và 2012, xã giảm 150 hộ nghèo), trong đó mô hình nuôi bò thịt và mô hình trồng rẫy đạt hiệu quả khá. Hộ anh Bùi Văn Bịch (49 tuổi) ở ấp Tân Phú A, không đất sản xuất, sống bằng nghề thuê mướn. Năm 2011, anh được dự án cho vay 12 triệu đồng mua bò nuôi thịt theo hướng lấy công làm lời, sau gần 1 năm nuôi, anh bán được 18 triệu đồng. Sau đó, anh dùng tiền này và tiền dành dụm được tiếp tục mua 2 con bò nuôi thịt (26 triệu đồng), hiện bò tiến triển tốt. Anh nói: "Xác suất thua lỗ thấp vì bò ít bệnh, chỉ bỏ công cắt cỏ cho bò ăn là được".

Hộ anh Bịch đã được công nhận thoát nghèo. Hộ anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1976) ở ấp Tân Hội không đất sản xuất, sống bằng nghề làm mướn, được dự án cho vay 10 triệu đồng để mướn đất trồng ớt, bắp. Anh cho biết, năm 2011, anh mướn 2 công đất (công tằm lớn), giá 5,5 triệu đồng/công/năm. Trong năm, anh chỉ canh tác 1 vụ ớt và 1 vụ bắp. Vụ ớt xuống giống vào tháng 10 âm lịch, sau hơn 2,5 tháng xuống giống thì bắt đầu thu hoạch đến tháng 5 âm lịch năm sau là dứt điểm, kế đến là vụ bắp trong vòng 3 tháng. Năng suất trung bình 1 công ớt khoảng 3 tấn, 1 công bắp từ 1,2 - 1,3 tấn.


Anh Nguyễn Văn Hải thăm ruộng ớt

Do ớt năm rồi rớt giá còn 10.000 đồng/kg, nên sau khi trừ chi phí (1 công đất tiền mướn 5,5 triệu đồng, phân thuốc trên 10 triệu đồng và tiền mướn thu hoạch từ 4.000 - 5,000 đồng/kg), anh lời thấp, nhưng bù lại lời vụ bắp (bắp 6 - 6,5 đồng/tấn, chi phí khoảng 3 triệu đồng/công). Năm nay giá ớt 13.000 - 14.000 đồng/kg, anh Hải có lời hơn. Anh đã được công nhận thoát nghèo.

Tuy vậy, theo anh Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Tân Bình, dự án đã cho thấy hiệu quả, nhưng nhiều khả năng đạt không cao. Hiện còn 12 hộ nghèo có khả năng khi hết thời gian thực hiện dự án không thoát được nghèo do đứt vốn. Nguyên nhân do các hộ này bị ảnh hưởng sạt lở đất phải di dời chỗ ở; giá ớt trong thời gian thực hiện dự án tụt giảm mạnh; một số hộ trước đây làm mướn, nay dùng vốn dự án để mướn đất làm rẫy, chăn nuôi nhưng không nắm kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, không được tập huấn kỹ thuật nên canh tác không đạt hiệu quả (mặc dù sau đó, từ năm 2012 đến nay có mở vài lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, nuôi trồng); dự án mới nên địa phương thực hiện còn lúng túng, việc giải ngân còn chậm.

Thêm vào đó, nguồn vốn của dự án thấp, trong đó vốn đầu tư cho dịch vụ mua bán nhỏ chỉ từ 5-6 triệu đồng/hộ, nên điều kiện mở rộng kinh doanh của họ còn hạn chế, dẫn đến một số hộ đạt lợi nhuận không cao.

TD

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn