Huyện Thanh Bình

Hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 30/11/2023 10:34:57

ĐTO - Xác định công tác giảm nghèo bền vững (GNBV) là nhiệm vụ xuyên suốt, thời gian qua, huyện Thanh Bình quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.


Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trao quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Tân Huề

CHĂM LO CHO NGƯỜI NGHÈO

Hằng năm, trên cơ sở điều tra, rà soát hộ nghèo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo theo tình hình thực tế phù hợp với từng địa phương và các giải pháp thực hiện, chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Đồng thời các địa phương trong huyện còn tổ chức điều tra xác định nguyên nhân nghèo, nhu cầu cụ thể của từng hộ, điều kiện về lao động và khả năng lao động, khả năng đối ứng để thực hiện các giải pháp phù hợp như: hỗ trợ xây nhà tình thương, giới thiệu việc làm, học nghề... gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở những mục tiêu, định hướng đã đề ra, huyện chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập. Trong đó, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em, người lao động và gia đình có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo quan tâm thực hiện.

Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã vận động chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng, hỗ trợ quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn 80.000 lượt người. Bên cạnh đó, thực hiện cho vay vốn xây dựng nhà ở hộ nghèo theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ có trên 210 hộ được hỗ trợ xét vay, tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn vận động Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Bến Tre hỗ trợ cất 26 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng, vận động các nhà hảo tâm cất mới và sửa chữa hơn 100 căn nhà tình thương tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.

Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trên địa bàn huyện quan tâm, tranh thủ vận động các nguồn lực tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Chị Võ Thị Bích Tuyền - Chủ tịch Hội LHPN xã An Phong, cho biết, thời gian qua, Hội LHPN xã đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế và hộ gia đình nghèo thông qua các hoạt động, phần việc ý nghĩa như: trao quà, giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn hợp lý, hiệu quả; giới thiệu tham gia học nghề nông thôn để có việc làm, nâng cao thu nhập.


Chị Nguyễn Thị Cúc ngụ xã An Phong có việc làm ổn định từ công việc chế biến thực phẩm

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã An Phong còn vận động hội viên tham gia các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, “Nuôi heo đất tiết kiệm”, duy trì hiệu quả mô hình “3 trong 1” (3 hộ khá, giàu giúp đỡ 1 hộ nghèo)... giúp nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Cúc ngụ ấp Nhất, xã An Phong chia sẻ, trước đây, việc làm bấp bênh không ổn định, sau khi tham gia vào Hội được giới thiệu học nghề, từ đó, tôi có công việc làm tại cơ sở gần nhà, nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện, tôi đã xin thoát nghèo.

HỖ TRỢ THOÁT NGHÈO

Thực hiện các chính sách của Chương trình MTQG GNBV giúp đỡ hộ nghèo cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn để thoát nghèo bền vững. Huyện Thanh Bình tập trung triển khai thực hiện các dự án Trung ương, tỉnh hỗ trợ thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, đồng thời triển khai chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.


Nghề may gia công giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn

Từ năm 2018 đến nay, huyện đã hỗ trợ giải quyết cho gần 13.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 120 tỷ đồng; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 17.300 lao động, dạy nghề cho hơn 2.400 lao động, trong đó gần 400 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đưa hơn 600 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi theo mô hình, giải quyết việc làm, chăn nuôi, trồng trọt được triển khai tại các xã: Tân Long, Tân Quới, Bình Tấn, Bình Thành, Phú Lợi... mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ nghèo tham gia dự án, thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Duy Thông ngụ Ấp 4, xã Phú Lợi gặp rất nhiều khó khăn trong chăn nuôi, năng suất thấp, giá thành bấp bênh, cuộc sống nghèo khó. Vì vậy, anh Thông luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo và mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương. Sau nhiều lần thất bại với nghề nuôi bò, được địa phương tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, anh Thông quyết định học hỏi cách nuôi heo rừng và nuôi thỏ. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, giúp gia đình anh Thông dần dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Anh Nguyễn Duy Thông chia sẻ, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay và cất căn nhà nhân ái đã giúp gia đình tôi có điều kiện an tâm lao động, vươn lên thoát nghèo.


Hội Chữ thập đỏ xã Tân Long trao quà cho hộ nghèo ở địa phương

Quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Thanh Bình quan tâm sâu sát, kịp thời. Các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được tập trung thực hiện, triển khai có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, thực hiện mục tiêu GNBV. Năm 2022, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 801 hộ, hộ cận nghèo là 1.334. Đến nay, toàn huyện còn 565 hộ nghèo, chiếm 1,46%; hộ cận nghèo có 712 hộ, chiếm 1,84%.

Ông Phan Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết, các dự án Chương trình MTQG GNBV là một trong những giải pháp quan trọng, vừa phát huy tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng nỗ lực của người nghèo từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Thông qua các chính sách giảm nghèo không chỉ giúp người nghèo tiếp cận và tham gia các loại hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tạo cơ hội để các hộ gia đình có vốn sản xuất, có việc làm, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

N.LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn