Hỗ trợ phụ nữ học nghề, giải quyết việc làm đạt hiệu quả

Cập nhật ngày: 04/11/2015 12:28:18

Từ năm 2010 - 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Thường vụ Hội LHPN các huyện, thị, thành phố tuyên truyền về chính sách dạy nghề và việc làm, chính sách đối với người tham gia học nghề... thuộc Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010 - 2015 được 17.650 cuộc với  253.710 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và người lao động tham dự. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại các địa phương, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và  Xã hội, Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng (trực thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam) và liên kết Phòng Kinh tế Hạ tầng, các Trung tâm dạy nghề huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân, nhất là lao động nữ ở nông thôn.


Nghề đan ghế nhựa góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho lao động nữ ở nông thôn

Từ năm 2010 - 2015, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh mở 19 lớp dạy nghề (chăm sóc móng và tóc, nữ công gia chánh, bảo mẫu, chăm sóc gia đình...) cho 490 học viên là lao động nữ nông thôn. Kết thúc các lớp học, 100% học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.  Đặc biệt, sau học nghề 86,69% học viên (426 học viên) có việc làm và thu nhập ổn định từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng; các Trung tâm dạy nghề huyện, thị, thành phố mở 1.098 lớp may dân dụng, may công nghiệp, đan lục bình, đan ghế nhựa, nữ công gia chánh... với 35.671 học viên tham gia. Trong đó sau học nghề có 76% (27.109/35.671) chị em có việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo tiền đề giúp chị em thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống ổn định.

Điều đáng ghi nhận là thông qua các lớp dạy nghề, sau đào tạo, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo khuyến khích vận động những cá nhân, tập thể có điều kiện thành lập các mô hình hỗ trợ sau học nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ ở nông thôn để phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững. Qua đó, các cấp Hội đã thành lập các mô hình Tổ hợp tác liên kết sản xuất kinh doanh, tổ liên kết tiêu thụ sản phẩm... Kết quả, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh thành lập được 204 tổ dịch vụ gia đình với 2.318 thành viên; 191 tổ hợp tác liên kết với 4.869 thành viên chuyên đan lục bình, đan ghế nhựa; 14 tổ đan bội tre với 443 thành viên; 23 tổ may gia công với 540 thành viên... tạo được sự liên kết về đầu ra của sản phẩm và nguồn thu nhập khá ổn định đối với chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010 - 2015 được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của lao động nữ, phù hợp và sát với tình hình thực tế của địa phương, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn