Cần nhiều giải pháp cho ngành giao thông
Cập nhật ngày: 02/11/2015 12:04:34
“Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tuy có giảm nhưng chưa nhiều, vẫn còn ở mức cao”, ông Nguyễn Văn Cống - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đề cập khi trao đổi với phóng viên.
Ông Nguyễn Văn Cống - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải
Phóng viên (PV): Đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt được thành tựu nhất định. Vậy, ông hãy cho biết về việc huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Cống (N.V.C.): Mỗi năm, với hàng trăm tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư khoảng 15 đường tỉnh lộ với tổng chiều dài trên 356,6km, khoảng 172 chiếc cầu, trong đó có 106 cầu bê-tông cốt thép tải trọng từ 18 - 30 tấn. Xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống đường tỉnh lộ từ ĐT-841 đến ĐT-856. Trung ương đầu tư nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài hơn 190km nhằm phá thế “độc đạo, ngõ cụt” thông qua việc triển khai nâng cấp hoàn thành Quốc lộ 80; nâng cấp Quốc lộ 54 giai đoạn 1; dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; đầu tư Quốc lộ N1 chạy cặp theo biên giới được quy hoạch là hành lang phát triển biên giới tây Nam; đang triển khai thực hiện đầu tư Quốc lộ N2 thuộc hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh, xuyên Đồng Tháp Mười, trong đó có cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống.
Hệ thống đường giao thông nông thôn được triển khai rộng khắp các huyện, thị trong tỉnh với tổng chiều dài đường huyện 807,5km, đường xã 1.169,1km, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, đáp ứng nguyện vọng bao đời của nhân dân, tạo điều kiện để nâng cao dân trí, giữ gìn an ninh - trật tự, chính trị - xã hội của địa phương.
Các nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông vận tải (GTVT) từ ngân sách Trung ương chiếm khoảng 30% theo kế hoạch hàng năm. Nguồn ngân sách địa phương chiếm khoảng 40%, tuy nhiên nguồn ngân sách này gặp nhiều hạn chế. Các nguồn tài trợ từ các dự án nước ngoài chiếm 10%. Các nguồn vốn khác huy động chiếm 20% từ việc thu hút nguồn vốn thuộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, quỹ bảo trì đường bộ.
Ngoài ra, vận động người dân tham gia cùng với Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như: hưởng ứng việc hiến đất, cây trồng, góp tiền, ngày công. Đồng thời tranh thủ nguồn vốn các dự án phát triển giao thông nông thôn của Bộ GTVT từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới.
PV: Được biết, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có nơi chưa được xây dựng đồng bộ. Theo ông, trong những năm tới, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cần ưu tiên là gì?
Ông N.V.C.: Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh rất lớn, trên 6.000 tỷ đồng. Vì vậy, cần chọn lựa ưu tiên các công trình trọng điểm, chuyển tiếp của giai đoạn 2011 - 2015 để thực hiện đầu tư có xem xét phân kỳ đầu tư trong phát triển hệ thống đường, đáp ứng nhịp độ phát triển công nghiệp, dịch vụ của từng khu vực trong tỉnh. Các tuyến đường còn lại tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, các nguồn vốn hoặc hình thức đầu tư khác và có thể chuyển sang đầu tư sau năm 2020.
Ưu tiên thực hiện các tuyến đường trọng điểm, có nhu cầu cấp thiết, mang tính kết nối và định hướng để phát triển hệ thống giao thông khu vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn để phục vụ cho hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kết hợp với các tuyến giao thông trọng điểm kết nối các vùng kinh tế, giữa thành thị và nông thôn. Tiếp tục thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020 đã được phê duyệt.
Kết hợp với nông nghiệp nạo vét thông luồng tuyến, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp phục vụ cho công tác quản lý. Tiếp tục rà soát lại quy hoạch, thống kê xác định hiện trạng cảng, bến thủy nội địa, định hướng nhu cầu về vận tải thủy phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương để đầu tư hệ thống bến thủy nội địa cấp huyện, thị vào các khu, cụm công nghiệp nhằm phát huy lợi thế về vận tải đường thủy, tăng khả năng kết nối việc vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ tỉnh Đồng Tháp đến các tỉnh khác và các trung tâm trọng điểm kinh tế của cả nước.
PV: Những năm qua, ngành giao thông tỉnh Đồng Tháp có cách làm nào đột phá để giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông N.V.C.: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) được tăng cường. Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trên địa bàn tỉnh, tạo được dấu ấn và sự quan tâm của xã hội đến công tác đảm bảo trật tự ATGT. Sở GTVT chủ động phối hợp với các đơn vị, các cơ quan truyền thông xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm cũng như công tác duy tu sửa chữa; giám sát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các công trình; thực hiện sửa chữa, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường, đồng thời yêu cầu và kiến nghị các đơn vị quản lý của các tuyến quốc lộ, huyện lộ và địa phương thường xuyên duy tu sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện.
Sở GTVT tổ chức kiểm tra, nhắc nhở cho làm cam kết đối với các đơn vị thi công cầu, đường không đảm bảo an toàn tại khu vực thi công; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy và kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện chủ đề của tháng, năm ATGT.
Công tác thanh tra, kiểm tra, TTKS và xử lý vi phạm được tăng cường và có nhiều đổi mới, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều đợt cao điểm TTKS, xử lý vi phạm theo các chuyên đề trên các tuyến giao thông trọng điểm, địa bàn phức tạp về trật tự ATGT. Trong đó, chỉ đạo Thanh tra giao thông triển khai trên toàn tỉnh phối hợp với Cảnh sát giao thông, Công an tập trung xử lý vi phạm trật tự ATGT và trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật hình sự trên các tuyến giao thông.
Năm ATGT 2015 với chủ đề: “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”. Chính vì vậy, Sở GTVT luôn bám sát chủ đề để thực hiện, nhằm giảm thiểu TNGT. Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường công tác TTKS, 2 Trạm kiểm tra tải trọng phương tiện cơ động hoạt động 24/24 giờ/tuần nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xe chở quá tải trọng cho phép, cơi nới thùng xe; xe khách chở quá số người quy định; đậu đỗ không đúng nơi quy định; kiểm tra chặt chẽ các bến khách cũng như phương tiện chở khách ngang sông; tăng cường quản lý phương tiện cơ giới đường bộ bằng việc gắn thiết bị giám sát hành trình.
PV: Vậy, những năm tới, Sở GTVT có những giải pháp gì “mạnh tay” hơn nhằm giảm đáng kể tình hình tai nạn giao thông (TNGT)?
Ông N.V.C.: Sở GTVT kết hợp cùng các cơ quan, ban, ngành cũng như đơn vị đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT sâu rộng đến từng người dân, từng đối tượng cụ thể bằng nhiều hình thức, nhiều mô hình; tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT, hội thi tuyên truyền viên pháp luật về ATGT, hội thi các đội tuyên truyền lưu động về ATGT,... nhằm làm thay đổi về nhận thức của người dân cũng như một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ý thức chưa cao trong khi tham gia giao thông.
Tuyến đường Quốc lộ 30 bị hư hỏng xuất hiện ổ voi
Sửa chữa cũng như khắc phục các “điểm đen”, các điểm nguy cơ xảy ra TNGT cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hạn chế tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ trên toàn hệ thống tỉnh lộ phải kịp thời; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc tổ chức giao thông. Thường xuyên khảo sát tổ chức sửa chữa, nâng cấp kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp thuộc quyền quản lý và kiến nghị Trung ương, đề nghị địa phương khảo sát tổ chức sửa chữa, nâng cấp kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp do đơn vị quản lý.
Phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động TTKT và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của xe chở khách, xe chở quá tải trọng, của người điều khiển xe môtô, xe gắn máy. Tổ chức, phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ. Tăng cường, phối hợp công tác TTKS của lực lượng Thanh tra giao thông trên các tuyến đường nông thôn. Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè ở các đô thị và hành lang ATGT. Rà soát, tổ chức giao thông, đẩy mạnh phân làn giao thông đường đô thị và phân luồng trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ; xây dựng phương án tổ chức, phối hợp phân luồng giao thông và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại khu vực tổ chức các lễ hội.
PV: Xin cảm ơn ông!
Dương Út (Thực hiện)