Tháp Mười

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 02/11/2015 05:17:47

Ban Chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực (BCĐPTNNL) huyện Tháp Mười, các ngành liên quan đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân sự làm việc trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng, giáo dục và đào tạo,...

Trên lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2011 - 2015, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan đã mở hơn 150 lớp nghề (may công nghiệp, điện lạnh, cơ khí, công nghệ thông tin, kế toán doanh nghiệp, bảo vệ thực vật, văn thư hành chính) với hơn 4.000 học viên theo học. Với ưu thế có nhiều công ty quy mô lớn hoạt động tại địa phương, mỗi năm huyện có 4.000 lao động được giới thiệu, tìm việc làm trong, ngoài tỉnh.

Đội ngũ cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn được nâng cao trình độ nghiệp vụ; hiện tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn đạt chuẩn trên 70%; công chức có trình độ cao đẳng trở lên đạt 81,97%; 70% cán bộ đáp ứng yêu cầu tin học, ngoại ngữ.

Nhân lực những ngành đào tạo trọng điểm được Ban Chỉ đạo huyện tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng đạt trình độ nhất định: lĩnh vực nông nghiệp có 40 người đạt trình độ đại học, 8 người trình độ trung cấp, cao đẳng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 54 lớp, với hơn 1.200 học viên; đào tạo lĩnh vực công nghiệp hơn 3.000 người; giao thông vận tải 78 người; xây dựng 110 người.

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hoạt động đào tạo nhân lực được UBND huyện đặc biệt quan tâm thực hiện các đề án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên. Toàn huyện hiện có 100 thạc sĩ, 1 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, hơn 300 cán bộ, giáo viên đang thực hiện quản lý, giảng dạy tại các điểm trường. Nhờ được hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ giáo viên đủ chuẩn, giỏi nghề đã làm tốt công tác giảng dạy, góp phần đưa tỷ lệ học sinh (HS) đỗ đại học, cao đẳng đạt trên 50%/tổng số HS đăng ký dự thi, vượt 20% chỉ tiêu đặt ra mỗi năm. Huyện Tháp Mười có cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu học tập, huy động HS ra lớp, chống bỏ học. Toàn huyện có 13/13 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; thị trấn Mỹ An đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học; dự kiến xã Mỹ Hòa, Trường Xuân, Mỹ Quý sẽ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học vào năm 2015.

Bất cập hiện nay trong đào tạo nguồn nhân lực của huyện Tháp Mười là tỷ lệ lao động qua đào tạo có tăng, nhưng trình độ lao động chưa cao, vẫn chỉ dừng ở hoạt động đào tạo nghề ngắn hạn; việc đào tạo nghề, liên thông từ sơ cấp, trung cấp lên cao đẳng còn rất ít; nhiều người không muốn con, em tham gia học nghề, dẫn đến việc tổ chức, thu hút lao động tham gia vào các lớp nghề, trường nghề gặp nhiều khó khăn; các trường nghề vẫn còn đào tạo những ngành nghề theo quy định, chưa chuyên sâu vào những ngành nghề xã hội cần.

Năm 2015, UBND huyện tiếp tục các chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp chọn Tháp Mười là địa điểm thành lập công ty. Đây cũng là ưu thế cho huyện trong việc đào tạo nguồn lao động phi nông nghiệp cung cấp cho thị trường. Huyện cũng chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ thích ứng với những thay đổi liên tục về chương trình ở các bậc học nhằm tạo tiền đề tốt để các HS tự tin dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng, hướng đến thị trường lao động bậc cao.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn