Quầy hàng lưu động
Cập nhật ngày: 30/10/2015 12:33:03
Đi đến các vùng nông thôn Đồng Tháp, ta dễ bắt gặp các bà, các chị đẩy những chiếc xe nặng trịch chở đầy rau, cải, củ ,quả, cá, thịt... cùng những mặt hàng tạp hóa khác len lỏi vào đường làng, ngỏ xóm để bán. Có người xem công việc đẩy xe đi bán hàng rong là một nghề, nghề này ổn định kinh tế gia đình nên mấy chục năm gắn bó với nghề, rồi như duyên nợ không rời xa nó được.
![](/database/image/2015/10/30/DT9-3%20(1).jpg)
Tuy nhiên, cũng có người không đồng tình với việc xe đẩy bán hàng rong và cho đây là nguyên nhân tạo ra sự lộn xộn trong giao thông... Có thể có mặt hạn chế này khác, nhưng trong thực tế viêc dùng xe đẩy hàng đi bán đã tồn tại từ lâu ở nông thôn tỉnh nhà, nay nó phát triển đến thành phố, thị xã, trở thành nghề mưu sinh của nhiều gia đình, dù đây là nghề mưu sinh rất nhọc nhằn. Hinh ảnh chiếc xe đẩy cọt kẹt, len lỏi đến từng ngỏ xóm trở thành thân quen đối với các bà nội trợ ở làng quê, xe bán hàng đến tận cửa nhà, mua dăm ba thứ là đủ cho một bửa ăn của gia đình, giá cả cũng không cao so với chợ. Bán hàng đến tận nhà là cách làm có lợi từ hai phía, thuận tiện cho người tiêu dùng, có thu nhập cho người bán. Đẩy xe bán hàng chủ yếu lấy công làm lời, nên mỗi ngày một người đẩy chiếc xe kiếm chừng 50.000 đồng đến 100.000 đồng phụ giúp thêm cho thu nhập của gia đình.
Các bà nội trợ rất thích những chiếc xe đẩy bán hàng đến tại nhà mình vì rất thuận tiện, nên loại hình bán hàng bằng xe đẩy khá phát triển ở tỉnh ta trong thời gian gần đây. Có lẻ từ nhu cầu đó của bà con, nên chính quyền huyện Hồng Ngự chính thức cấp bảng số cho xe đẩy bán hàng rong và đặt tên cho nó là “Quầy hàng lưu động”, nghĩa là xem xe đẩy là một nghề, nghề bán hàng tạp hóa lưu động.
![](/database/image/2015/10/30/DT9-3%20(2).jpg)
Đẩy xe bán hàng rong trở thành nghề mưu sinh của nhiều gia đình, từ nay xe đẩy được gọi chính danh là “Quầy hàng lưu động” tại huyện Hồng Ngự và mong rằng các địa phương khác trong tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ quản lý dịch vụ này bằng cách cấp bảng số cho xe đẩy bán hàng trong địa phương mình.
Tuy nhiên, xe đẩy đậu lại bán hàng đôi khi lấn chiếm lòng lề đường, cản trở giao thông, xã rác... Có thể khắc phục được bằng tuyên truyền, giáo dục, vấn đề quan trọng là chính quyền tạo điều kiện và giúp cho những người bán hàng nhỏ lẻ này sống được với nghề. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm có hiệu quả cho lao động nông thôn ở tỉnh ta.
Đỗ Hoàng Tiễn