“Cạm bẫy" người
Cập nhật ngày: 02/11/2015 12:13:19
Kỳ 2: Đi tìm sự thật
Có thật như lời người môi giới nói khi đi lấy chồng nước ngoài sẽ sướng như tiên, tiền bạc xài thoải mái, một cuộc sống hôn nhân toàn “màu hồng”? Chúng tôi đã đi tìm những chị phụ nữ đã, đang ở Trung Quốc, Đài Loan lấy chồng qua đường môi giới để các chị nói về sự thật của những cuộc hôn nhân này.
Đoạn tin nhắn của cô gái nói về việc đưa phụ nữ sang lấy chồng Trung Quốc, đại ý là:“Rước gái Việt Nam qua đường “luồn” giống buôn lậu vậy đó, rồi qua đây lựa; Có người cần đẻ con cháu cho họ rồi có về không qua cũng chẳng sao; Vậy mà ai cũng ùn ùn qua; Nhỏ gần nhà mới dắt qua 6,7 đứa”
“Nhờ chị nói với mọi người tuyệt đối đừng lấy chồng qua môi giới. Người môi giới vì tiền, sẽ bỏ mặc mình; chị em không biết tiếng, gặp người xấu, bơ vơ, tủi hổ, nguy hiểm nơi xứ người...” |
Nếm trải đắng cay
Từ những mối quan hệ thân quen, chúng tôi liên lạc được với chị Hồng ngụ tại huyện Lai Vung, lấy chồng Trung Quốc 5 năm cũng qua đường dây môi giới mà chúng tôi đã tiếp cận. Khi biết chúng tôi thực hiện bài viết, chị Hồng chia sẻ: “Môi giới thì lúc nào cũng nói ngọt, nhưng không phải là sự thật. Sự thật là người nam ở Trung Quốc muốn cưới vợ là người Trung Quốc phải có nhà ở, phải có số tiền tương đương 600 triệu đồng Việt Nam. Do đó, người thu nhập thấp, trung bình sẽ không có khả năng lấy vợ người Trung Quốc nên họ tìm vợ là người Việt Nam vì chi phí rẻ hơn. Nơi tôi đang ở, có nhiều cô gái Việt Nam vừa được đưa sang, họ không có giấy tờ tùy thân, nếu bị cảnh sát kiểm tra phát hiện sẽ bị trục xuất về nước, không hộ chiếu, không biết sau này họ ra sao? Các cô gái Việt khi sang bên đó thường ở nông thôn, vùng heo hút. Mà không biết sao, giờ họ lại qua đó ùn ùn. Nhỏ gần nhà tôi ở mới dắt qua đây 6, 7 cô gái Việt Nam...”. Sau khi lấy chồng, một thời gian cô gái sẽ mang thai, sinh con, nếu bất hòa với gia đình chồng, khi trốn về sẽ bỏ con lại bên đó. Con gái ông Nguyễn Văn Vinh, ở trong một cụm dân cư của huyện Cao Lãnh rơi vào trường hợp như vậy. Ông Vinh - ba chị T. nói thay con gái: Tôi cất nhà tường, lâm cảnh nợ nần. Con gái tôi lấy chồng được 30 triệu đồng, làm đám cưới 10 triệu đồng, trả nợ 20 triệu đồng. Lúc thấy người ta làm mai, nghĩ người ta ở gần xóm, không lẽ người ta gạt mình, nghĩ họ tìm chỗ đàng hoàng cho con tôi. Vậy mà con tôi bị gả cho người ở trên núi, họ trồng trà. Con tôi ở nhà chăm lo cho cả gia đình chồng. Tiền bạc họ không cho, chỉ cho ăn cơm mỗi ngày. Con tôi về nước họ cũng không cho. Khi đẻ được đứa con, cực khổ, chịu không nổi, con tôi trốn về nước, bỏ con lại bên đó. Hôm trước, gia đình tôi có nói điện thoại với gia đình bên đó là muốn đem cháu (con chị T.) về Việt Nam nhưng họ không cho. Họ nói con tôi muốn gì thì qua bên đó. Con tôi sợ nên không dám qua nữa. Ngày con tôi trốn trở về, nước mắt tôi rơi. Gả con đi xứ người những tưởng con sung sướng huy hoàng, ai ngờ trở về trong đau khổ, tả tơi. Mỗi lần nó than nhớ con, tôi như đứt từng khúc ruột. Bên đó họ “Trồng chuối lấy con, bỏ cây”...
Chị Gấm ngụ tại huyện Lai Vung được người môi giới hứa gả cho nhà giàu, gần chợ, gần thành phố. Gia đình chị Gấm khó khăn nên chị quyết định lấy chồng nước ngoài. Khi sang Trung Quốc mới biết nhà chồng ở tận trên núi cao, trồng hạt dẻ, hàng ngày bán hủ tíu lề đường để kiếm tiền chi tiêu. Bên chồng không cho chị về nhà, muốn về thì để con lại. Dù rất nhớ quê hương nhưng do không có tiền nên chị Gấm đành ở lại xứ người.
Tin lời bà mai sẽ gặp được chồng giàu, chị Nguyễn Thị Bé (25 tuổi) lấy chồng Trung Quốc. Gia đình chồng chị nuôi cơm, không cho tài sản, tiền bạc. Sau 6 tháng sang xứ người, chị Bé trốn về nước bằng đường xe, đi 8 ngày mới về đến cửa khẩu. Chị Bé nói: “Lấy chồng qua mai mối đa số là người nghèo. Bên đó, họ không cưới được vợ nên mới nhờ đến mai mối. Sau 6 tháng lấy chồng bên đó, quá cực khổ, tôi trốn về nước, giờ phải làm lại cuộc sống mới, lại mang tiếng có một đời chồng...”. Quá khứ nơi xứ người thường được nhiều người giấu kín, nhưng trong thời gian thu thập tư liệu, đôi lúc chúng tôi được nghe những phụ nữ trải lòng về chuyện bị chồng, gia đình chồng hành hạ, lấy chồng tật nguyền, chuyện bị xâm hại từ chính những thành viên trong gia đình chồng.
Giải pháp ngăn chặn
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) từ năm 1996 - 2014, Sở tiếp nhận thông tin, quản lý 100 trường hợp trong tỉnh bị bán, nghi bán sang nước ngoài với hình thức dụ dỗ, tự đi sang các nước Campuchia, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc. Các cô gái đi sang nước ngoài tại các sân bay hoặc khu vực cửa khẩu Lào Cai, Dinh Bà, Tịnh Biên, Long Bình, Mộc Bài. Khi được đưa sang nước ngoài, các cô gái bị bán làm gái mại dâm, giúp việc, bán hàng... Những nạn nhân không chỉ là những người không biết chữ, trình độ học vấn thấp mà còn có cả các em học sinh; những người đã lập gia đình;... Phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người chủ yếu lợi dụng vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết của nạn nhân để lừa đưa đi tìm việc hoặc môi giới lấy chồng nước ngoài. Sau đó đưa nạn nhân qua Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia bán làm vợ, hoặc ép họ bán dâm. Để che giấu thủ đoạn, chúng thường cho gia đình nạn nhân ứng trước một số tiền rồi tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh ra nước ngoài. Khi nạn nhân biết mình bị lừa bán, yêu cầu về nước, chúng bắt nạn nhân, gia đình nạn nhân phải trả các khoản tiền chi phí gấp nhiều lần so với số tiền ứng ban đầu.
Trung tá Hà Trung Hiếu - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: “Từ năm 2011 - 2015, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ môi giới lấy chồng Trung Quốc, Malaysia. Trong đó, có 2 vụ môi giới lấy chồng đưa sang Trung Quốc, sống cảnh nghèo khổ nên bị hại về Việt Nam tố cáo. Những đối tượng thường lợi dụng hoàn cảnh gia đình kinh tế của nạn nhân, vẽ ra một viễn cảnh sung túc, sau đó chụp hình gửi sang các đối tượng để định giá. Khi tiếp cận thông tin tố cáo, chúng tôi tiến hành xác minh, xử lý đối tượng theo pháp luật. Chúng tôi khuyến cáo người dân hết sức thận trọng, cảnh giác trước thủ đoạn tinh vi của đối tượng môi giới...”.
Sở LĐ-TB&XH, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với gia đình bị hại hướng dẫn gần 40 nạn nhân tự giải thoát trở về nước. Đồng thời, các đơn vị đã thành lập các Câu lạc bộ phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em tại các địa phương. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả mô hình, cần có sự chọn lọc đối tượng tuyên truyền, cách thức tuyên truyền; lấy cơ sở người thật việc thật để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với loại tội phạm này. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi của những người môi giới, các đơn vị trên cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ ký hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm mua bán người với Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á...
Khi biết chúng tôi thực hiện bài viết này, liên lạc qua Facebook, chị Như - một phụ nữ lấy chồng qua môi giới đang ở Trung Quốc gửi gắm: “Nhờ chị nói với mọi người tuyệt đối đừng lấy chồng qua môi giới. Người môi giới vì tiền, sẽ bỏ mặc mình; chị em không biết tiếng, gặp người xấu, bơ vơ, tủi hổ, nguy hiểm nơi xứ người...”.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
P.C-L.T-L.V