Sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Lấy sự an toàn của người tiêu dùng làm đầu

Cập nhật ngày: 15/07/2015 12:47:33

Những năm gần đây, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh tuy không ở mức báo động nhưng cùng với tình hình chung của cả nước, một số cơ sở xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn “chăm chút” nhiều cho lợi ích của riêng mình, mà không nghĩ đến hệ quả xấu do mặt hàng, sản phẩm của mình có thể gây ra cho cộng đồng.


Kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Cao Lãnh

Cụ thể, qua kết quả các đợt thanh, kiểm tra của Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh cho thấy, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chạy theo lợi nhuận coi thường tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng như: kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSATTP, sử dụng các hóa chất không được phép (phổ biến là hàn the) hoặc các hóa chất được sử dụng nhưng lại dùng quá mức cho phép (methanol) trong chế biến, sản xuất thực phẩm. Và hầu hết, các địa phương trong tỉnh đều có các sản phẩm rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép và nhiễm kim loại nặng, thịt thực phẩm nhiễm vi sinh vật gây bệnh,...

Theo BCĐ liên ngành về VSATTP tỉnh, năm 2014, BCĐ liên ngành đã tổ chức kiểm tra 13.573 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống thì có 2.796 cơ sở vi phạm (chiếm 20,6% tổng số cơ sở được kiểm tra). Kiểm tra 278 mẫu thịt gà, thịt heo, rau, củ, quả, chả, bì, nem, lạp xưởng,... có 23 mẫu không đạt chất lượng. Dù vậy, thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng (tử vong), tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận là 0,16/100.000 dân.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, những thực phẩm không đạt chất lượng ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe của người sử dụng. Trước mắt, những thực phẩm nhiễm hóa chất sẽ gây ra một số triệu chứng với biểu hiện lâm sàng nhẹ như rối loạn tiêu hóa đường ruột, ngộ độc thức ăn, chóng mặt, buồn nôn hay ngất xỉu. Nếu nặng hơn, sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, mật, thần kinh, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Về lâu dài, khi tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến những bệnh nan y khó chữa như ung thư mật, gan, dạ dày, ruột, thậm chí vô sinh. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lương gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của mỗi người mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng cho chi phí chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, chất lượng giống nòi.

Đây là vấn đề cần sớm khắc phục, giải quyết. Thiết nghĩ, để giải quyết tốt vấn đề VSATTP, một trong những yếu tố cốt lõi là cần có sự kết hợp đồng bộ từ cơ quan quản lý, người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng. Đối với cơ quan quản lý, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra; xử lý, răn đe nghiêm các trường hợp vi phạm; nhất là việc phối hợp với các ban, ngành hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên biết tự quý trọng sức khỏe của mình, không mua hàng hóa không rõ nguồn gốc, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản trong việc nhận dạng thực phẩm kém chất lượng và nên mua hàng ở những địa chỉ tin cậy. Và nếu nhìn từ nguyên nhân khởi phát vấn đề, có lẽ giữ vai trò quan trọng và quyết định nhất để giải quyết vấn đề này là những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu họ quan tâm và xem trọng đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, lấy phương châm vì sức khỏe người tiêu dùng làm đầu thì chắc rằng vấn đề VSATTP không còn gì phải bàn cãi.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn