Một người vợ liệt sĩ không để các con đói chữ

Cập nhật ngày: 25/07/2012 10:34:06

Trong căn nhà đơn sơ nhưng ấm áp tình cảm gia đình, cụ Huỳnh Thị Chén (nhiều người gọi thân mật là bà Sáu) bảo: “Đời sống của tôi hết vất vả rồi. Các con giờ đã thành đạt, đứa nào cũng chăm chỉ làm ăn, làm những điều có lợi cho dân, cho nước mình”.


Các cháu bà Sáu khoe giấy khen được nhà trường tặng

Bà Sáu (SN 1933) ngụ xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, là vợ liệt sĩ Phan Văn Tá - Trưởng Ban Kinh tài xã, hy sinh năm 1968. Những ngày chồng đi kháng chiến, bà bồng các con vào đồng để tránh tai mắt kẻ thù, vừa được nghe tin tức của chồng, vừa làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi con. Ngày hay tin chồng hy sinh, bà Sáu cho biết bà như chết lặng, lúc ấy người con lớn của bà 13 tuổi, người con út chỉ mới 3 tháng tuổi. Bà Sáu kể: “Trước ngày chồng tôi mất, anh ấy về thăm nhà thấy tôi ngồi đưa võng cho con, anh nói tôi có chết chắc em khổ lắm. Tôi hỏi sao mà khổ? Anh bảo con đông quá sợ nuôi không nổi. Không ngờ chỉ ngày hôm sau chồng tôi hy sinh”.

Sau khi ông Sáu mất, người con trai lớn của ông cũng theo cách mạng, địch biết tin bắt bà giam vào nhà lao. Bà bồng theo đứa con 3 tháng tuổi vào tù, địch tìm mọi cách để bà khai con đang ở đâu, làm gì nhưng không khai thác được gì nên 3 tháng sau ngày bị bắt bà được bọn chúng thả về.

Ngày đất nước hòa bình, mặc dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng bà Sáu vẫn lo cho các con được đi học. Bà Sáu cho biết, hồi ông Sáu còn sống, ông thường nói với bà: “Anh có chết thì em ráng nuôi con cho ăn học với người ta”, chính câu nói ấy đã thúc thêm tinh thần để bà Sáu nuôi 6 người con trai và tất cả đều được đi học. Bà Sáu còn cho biết bà viết chữ thì được nhưng đọc thì phải đánh vần một hồi mới đọc được từng chữ, chính vì điều đó mà bà muốn con mình học tới nơi tới chốn.

Để các con có tiền đi học xa nhà, bà Sáu phải suốt ngày làm lụng vất vả từ việc đi dặm lúa, cắt lúa mướn đến chăn nuôi heo, vịt, đan lưới và một thân một mình làm mấy công đất ruộng. Bà Sáu tâm sự: “Hồi đó tôi làm cực khổ bao nhiêu cũng không sợ. Tôi chỉ thấy nhớ các con nên ngủ ít được vì cả 6 đứa lớn lên đều phải đi học xa nhà. Đến chủ nhật là tôi mừng lắm vì lúc đó các con đi học về tụ tập đông đủ. Mỗi khi về đến nhà, trong nhà chật hẹp, các con phải ra giăng võng ngoài các cây quanh nhà học bài. Những lúc chứng kiến các con chăm chỉ học, tôi mừng trong bụng như ai cho vàng vậy”. Cụ Trần Thị Dờn, gần nhà bà Sáu bộc bạch: “Hồi đó chị Sáu khổ lắm, làm suốt ngày, có chứng đau lưng nặng nhưng hễ đến mùa là đi cắt lúa mướn, đương lưới bán móp cả mấy ngón tay mà có khi còn thiếu cơm ăn, vậy mà chị nuôi các con ăn học đàng hoàng. Tôi rất khâm phục”.

Hiểu được sự hy sinh của mẹ, cả 6 người con trai - người nào cũng siêng năng chăm chỉ và học giỏi. Hiện các con của bà đều có việc làm ổn định và giữ các chức vụ ở các công ty, cơ quan của huyện, tỉnh. Riêng người con trai út là anh Phan Oanh Liệt sau khi ra trường, đi làm tại một cơ quan của tỉnh được thời gian nhưng thấy mẹ sức khỏe yếu, anh bàn với mẹ và các anh xin nghỉ việc để được hàng ngày tận tay phụng dưỡng mẹ. Anh Liệt tâm sự: “Anh em tôi ai cũng thương mẹ. Giờ cuộc sống ổn định nhưng chúng tôi luôn nhớ những ngày tháng khó khăn mẹ vất vả nuôi anh em ăn học. Nhờ sự hy sinh của mẹ mà chúng tôi nên người”.

Chẳng những các con bà Sáu, giờ các cháu của bà cũng đều chăm ngoan, học giỏi, trong đó có nhiều cháu đậu đại học hiện đang học và có người đã đi làm. Đó là một món quà tinh thần to lớn để bà Sáu - một người bà, người mẹ, người vợ liệt sĩ luôn sống vì đất nước, vì gia đình hưởng trọn những tháng ngày hạnh phúc còn lại.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn