Một số doanh nghiệp chưa tích cực tham gia BHXH
Cập nhật ngày: 18/06/2012 04:11:34
Kiểm tra 16 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, BHXH Đồng Tháp đã phát hiện hơn 4.500 lao động đủ điều kiện nhưng chủ sử dụng lao động chưa lập thủ tục cho họ tham gia BHXH, BHYT làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi thiết thực của người đang lao động tại các đơn vị này.
Quyết định 1111/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam ra đời ngày 25-10-2011 nhằm kịp thời cải tiến quy trình, cụ thể hóa công tác quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT theo Luật BHXH, Luật BHYT; Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 và Nghị định 62/2009/NĐ-CP ngày 27-7-2009 của Chính phủ. Quy trình mới này đã thay thế hàng loạt quyết định, công văn trước đây của ngành nhằm đơn giản hóa các thủ tục, tạo quy trình khép kín giữa công tác quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT trong ngành, đồng thời giúp người lao động, chủ sử dụng lao động dễ dàng lập thủ tục tham gia BHXH, BHYT khi mới phát sinh.
Qua hơn 6 tháng thực hiện, vấn đề nóng chưa được giảm nhiệt đối với các doanh nghiệp tư nhân vẫn là khâu thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc. Việc trích đóng BHXH, BHYT, BHTN theo tỉ lệ quy định cùng lúc với trích tỉ lệ tiền lương của công nhân từ lúc hợp đồng làm việc từ 3 tháng trở lên có hiệu lực đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của đơn vị nên chủ doanh nghiệp thường lần lựa trong việc lập danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS). Việc không phổ biến cho công nhân kê khai mẫu A01-TS, A03-TS và gửi đơn đề nghị theo mẫu D01-TS khi có phát sinh cho cơ quan BHXH đã gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động trong khi họ đã ký hợp đồng (nhưng chưa đúng mẫu quy định theo Nghị định 44/2003/NĐCP ngày 9-5-2003 của Chính phủ và Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22-9-2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44/NĐ CP).
Bởi từ lúc ký hợp đồng làm việc cho doanh nghiệp đến khi chính thức được tham gia BHXH, BHYT thường là thời gian bị chủ doanh nghiệp lạm dụng, họ vừa không được tham gia BHXH, BHYT kịp thời, vừa bị thử việc kéo dài. Số lao động chưa tham gia này trước mắt không có thẻ BHYT để KCB sau đó là không được hưởng các chế độ BHXH ngắn ngày cũng như các chế độ BHXH khác như: thôi việc hưởng 1 lần, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, hưu, tuất là những chế độ của Nhà nước dành cho lao động đang làm việc và được thụ hưởng sau này nằm trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Một thực tế khách quan, các doanh nghiệp tư nhân mới đưa vào hoạt động, tổ chức Công đoàn chưa được thành lập hoặc có thành lập nhưng hoạt động còn yếu. Tại đây, người lao động chưa được tuyên truyền đầy đủ về quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Các chủ doanh nghiệp đôi lúc còn dựa vào tâm lý công nhân đang cần việc làm nên đưa ra điều kiện khiến họ dễ dàng chấp nhận ký kết hợp đồng lao động không đúng quy định. Thậm chí một số doanh nghiệp còn dựa vào chính sách ưu tiên thu hút đầu tư của Nhà nước để ký hợp đồng thỏa thuận trả lương thấp, thử việc không theo Điều 32 của Luật Lao động với công nhân từ 1 đến 3 tháng, cá biệt có nơi ký lại lần 2, lần 3 với lý do thử việc chưa đạt yêu cầu (?).
Khi Thanh tra liên ngành phát hiện thì doanh nghiệp nêu nhiều lý do không mấy thuyết phục như: lao động biến động thường xuyên, làm ăn thua lỗ, thiếu nguyên liệu sản xuất và sản xuất theo thời vụ để cố tình tránh né việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho công nhân. Việc chậm đăng ký hay né tránh đồng nghĩa với việc doanh nghiệp giữ lại (phần do đơn vị đóng) tương ứng với 2/3 tổng số tiền nộp BHXH, BHYT, BHTN cho công nhân. Số tiền trốn đóng này không nhỏ đối với doanh nghiệp có hàng trăm lao động/tháng. Nghiêm trọng hơn, một số doanh nghiệp tuy đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng để nợ đọng kéo dài, trong khi tiền nộp BHXH, BHYT, BHTN của công nhân (phần do người lao động đóng) lại thu đủ mỗi tháng theo lương.
Đây là hình thức chiếm dụng vốn. Nếu BHXH không có văn bản chỉ đạo tích cực để thu nợ, dùng các biện pháp kiên quyết như: ngưng giao dịch, không cấp thẻ BHYT, dừng chi chế độ ngắn ngày, báo cáo cho ngành chức năng thanh tra để thu hồi nợ đọng thì người lao động đôi khi không hay biết và đến khi vỡ nợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của họ (như Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đồng Tháp trước đây).
Vấn đề đặt ra là khi Đoàn kiểm tra của ngành BHXH tuy đã phát hiện mà không có chức năng xử lý, ngoài việc gửi công văn đôn đốc, nhắc nhở, hoặc báo cáo cho Sở Lao động TBXH đến thanh tra để xử phạt thì mỗi năm tiền thu BHXH, BHYT, BHTN bị thất thoát là rất lớn. Mặt khác, hầu hết doanh nghiệp chỉ đóng BHXH, BHYT, BHTN trên lương tối thiểu so với lương thực tế. Kết cục, đối tượng chịu thiệt thòi nhất vẫn là người lao động, bởi vì quyền lợi thiết thực của họ tại đơn vị đang làm việc bị xâm hại trực tiếp.
Một thông tin đáng ghi nhận qua phiên họp giao ban, Lãnh đạo của BHXH Việt Nam đã biểu dương Đồng Tháp là một trong 10 tỉnh có số nợ đọng của các doanh nghiệp thấp nhất cả nước trong tình hình các doanh nghiệp đang bị khủng hoảng. Tuy nhiên, không loại trừ sắp tới một số doanh nghiệp trong tỉnh sẽ phát sinh nợ nếu không có kế hoạch tái cơ cấu đúng hướng hay có biện pháp phục hồi sản xuất kịp thời, hợp lý, bởi vì tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN rất dễ bị tạm ứng, tạm mượn.
Mong rằng, các ngành chức năng trong tỉnh có kế hoạch phối hợp kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ hơn, các cơ quan truyền thông cùng với ngành BHXH tuyên truyền sâu rộng chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong công nhân lao động. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm hợp đồng tuyển dụng lao động đúng quy định của pháp luật. Hãy vì lợi ích lâu dài trong sản xuất kinh doanh, tạo uy tín bằng thương hiệu của doanh nghiệp và chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho người lao động tại đơn vị để họ an tâm bám nhà máy, nâng cao tay nghề, đồng nghĩa với việc giúp doanh nghiệp tìm phương cách tháo gỡ những khó khăn.
Nguyễn Bửu Long