Nâng cao ý thức người sử dụng lao động trong phòng ngừa và kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc
Cập nhật ngày: 29/05/2023 09:54:32
ĐTO - Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023 với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức của người sử dụng lao động (SDLĐ) trong việc phòng ngừa và kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, giúp cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng nơi làm việc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN). Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Phước Lợi - Phó trưởng khoa phụ trách điều hành, Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, CDC chia sẻ một số kết quả nổi bật của đơn vị.
Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Phước Lợi - Phó Trưởng khoa phụ trách điều hành, Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Phóng viên: Thực hiện chương trình ATVSLĐ năm 2023, từ đầu năm đến nay, CDC đã có những hoạt động thiết thực nào thưa ông?
Bác sĩ Trần Phước Lợi: Năm 2023, CDC Đồng Tháp đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tháng ATVSLĐ trong ngành y tế, tập trung vào chủ đề của năm 2023. CDC đã phát hành công văn cho toàn ngành Y tế về đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường lao động (QTMTLĐ) và thực hiện cải thiện điều kiện lao động trong ngành y tế. Ngoài ra, CDC đã tổ chức QTMTLĐ tại tất cả các nơi làm việc, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện BNN cho tất cả nhân viên, người lao động, kiểm tra các yếu tố nguy cơ, thang máy, thang bộ, nhà vệ sinh, còi báo động, phòng cháy chữa cháy, mạng lưới điện...
Tổ chức các hoạt động tư vấn, huấn luyện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy trình, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, BNN; huấn luyện kỹ năng nhận diện, đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc cho người lao động; phối kết hợp với các sở, ban, ngành trong các hoạt động kiểm tra, giám sát ATVSLĐ trong các ngành, nghề có nhiều nguy cơ TNLĐ, BNN; đồng thời tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền các thông điệp Tháng hành động ATVSLĐ. Đối với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác giám sát tại đơn vị về các yếu tố nguy cơ, giám sát, tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm hướng tới việc cải thiện điều kiện lao động cho người lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn.
CDC Đồng Tháp khám sức khỏe cho người lao động tại đơn vị
Phóng viên: Xin ông cho biết việc thực hiện QTMTLĐ tại cơ sở lao động, nơi làm việc cần thiết như thế nào đối với người lao động?
Bác sĩ Trần Phước Lợi: Bất kì một doanh nghiệp nào khi tổ chức sản xuất, kinh doanh thì hằng năm phải tổ chức QTMTLĐ (theo Luật ATVSLĐ năm 2015). Chúng ta cũng thấy rõ là để có cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý nhằm đánh giá được điều kiện môi trường lao động như thế nào thì phải tiến hành QTMTLĐ để có chỉ số đánh giá đạt/không đạt so với quy chuẩn Việt Nam cho phép. Từ kết quả QTMTLĐ này sẽ giúp người SDLĐ lập kế hoạch và triển khai các giải pháp cải thiện điều kiện lao động phù hợp nhất với tình hình lao động và người lao động ở doanh nghiệp. Do đó, việc các doanh nghiệp thực hiện QTMTLĐ và rất cần thiết để đảm bảo điều kiện lao động và sức khỏe người lao động.
Phóng viên: Theo ông, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn có quan tâm thực hiện tốt việc QTMTLĐ?
Bác sĩ Trần Phước Lợi: Đối với các doanh nghiệp lớn thì đã thực hiện công tác QTMTLĐ dần đi vào nề nếp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chưa thật sự quan tâm đến công tác này. Do đó, hiện nay, CDC tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, tư vấn và hỗ trợ đến từng doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa và lợi ích của công tác này và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Đo chức năng hô hấp phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại một công ty trên địa bàn tỉnh
Phóng viên: Theo ông, CDC có giải pháp gì để các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt các nội dung trên?
Bác sĩ Trần Phước Lợi: Hiện tại, CDC đang cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về công tác chăm sóc sức khỏe người lao động như: khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN (nhất là những người làm việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm), khám bố trí trước khi làm việc, QTMTLĐ nơi công nhân làm việc, huấn luyện ATVSLĐ, huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động để khi có tình trạng khẩn cấp xảy ra, xử trí và sơ cấp cứu tại chỗ trước khi tới cơ sở y tế... Sắp tới, CDC cùng với Ban Quản lý khu công nghiệp sẽ tiếp tục kiểm tra giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động. Bên cạnh đó, CDC tiếp tục đẩy mạnh và duy trì các hoạt động thông tin tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ để tạo ý thức, nề nếp và thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ cho người lao động và người SDLĐ; tăng cường các biện pháp tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa nguy cơ và yếu tố có hại gây BNN; tiếp tục tổ chức các hoạt động QTMTLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện BNN cho người lao động.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Sông Ngân