Đồng Tháp thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 28/05/2023 05:46:15

ĐTO - Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo (GN) bền vững trên địa bàn tỉnh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng các ngành liên quan triển khai đồng bộ với các giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời đến với người nghèo, góp phần cải thiện, ổn định thu nhập, nâng cao đời sống người dân.


Người dân xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh có việc làm ổn định từ nghề may gia công

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC ĐỂ GIẢM NGHÈO

Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân. Trong đó, chương trình GN, giáo dục nghề nghiệp và việc làm được lồng ghép chặt chẽ với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quá trình xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều đối tượng hưởng lợi, nhất là người nghèo có việc làm và tăng thu nhập.

Từ năm 2022 đến nay, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình  MTQG GN trên địa bàn tỉnh trên 150 tỷ đồng và các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nguồn kinh phí của chương trình, tập trung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình GN. Đồng thời phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ việc làm bền vững, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện kịp thời, đúng chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp GN bền vững, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua từng năm. Trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 3,13% giảm còn 2,17% (giảm 0,96%, vượt chỉ tiêu được giao là giảm 0,4%), tỷ lệ hộ cận nghèo từ 5,09% giảm còn 3,23%.

Tại TP Cao Lãnh, để làm tốt công tác GN bền vững, những năm qua, các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, đảm bảo theo quy định. Các chính sách xã hội của Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn được tích cực triển khai hỗ trợ cho hộ nghèo như: nhà ở, vay vốn sản xuất, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề... Qua đó, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện vươn lên, tạo việc làm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo ông Lê Nhựt Trường - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Cao Lãnh, hằng năm, Phòng LĐ-TB&XH thành phố tổ chức thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, tìm hiểu nguyên nhân, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân... để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp đối với từng hộ gia đình. Đồng thời chủ động phối hợp đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên của các hộ nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Kết quả rà soát, đánh giá biến động hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2022, TP Cao Lãnh có 117 hộ thoát nghèo, đạt 124% so với chỉ tiêu đề ra, giảm 0,2% so với số hộ nghèo đầu năm 2022. Năm 2022, TP Cao Lãnh có 117 hộ thoát nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, giảm 0,2% so với đầu năm, có 245 hộ cận nghèo thoát nghèo.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Bích Ngân ngụ Khóm 1, Phường 6, TP Cao Lãnh thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Hộ của chị Bích Ngân được chính quyền và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường xem xét hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó, gia đình chị có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Chị Ngân chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn vay 30 triệu đồng, thời hạn 5 năm, gia đình tôi tập trung vào công việc mua bán cá và mua xoài lá, không còn phải đi làm thuê, công việc và nguồn thu nhập của gia đình ổn định, không còn cảnh thiếu trước hụt sau. Hàng ngày, tôi mua cá đi giao ở chợ, thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, từ việc mua xoài lá, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng”. Với công việc và nguồn thu nhập ổn định, chi tiêu tiết kiệm, gia đình chị Ngân đã tích lũy, để dành tiền sửa chữa lại căn nhà kiên cố.


Chị Nguyễn Thị Bích Ngân ngụ Phường 6, TP Cao Lãnh thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Những kết quả đạt được trong công tác GN đã thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua nhiều mô hình, cách làm và triển khai thực hiện tốt các dự án hỗ trợ dành cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ về nâng cao chất lượng đào tạo, các chính sách hỗ trợ được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần thu hút đông đảo NLĐ tham gia học nghề.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm, đạt gần 54%, có 163 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho gần 9.200 lao động, có 664 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 44,3%.

Đặc biệt, công tác đào tạo nghề, đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác GN bền vững. Hầu hết các trường hợp đã và đang tham gia Chương trình đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đều giúp cho bản thân và gia đình NLĐ có cuộc sống tốt hơn. Nhiều lao động có thu nhập cao hoặc sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước tích lũy được số vốn, có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, đem lại hiệu quả cao trong việc thoát nghèo bền vững tại địa phương.

Xác định công tác đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là hướng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tay nghề cho NLĐ. Thời gian qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Lãnh đã tăng cường tư vấn, hướng nghiệp, định hướng cho NLĐ, từ đó, số lượng NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn huyện ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021, huyện Cao Lãnh có 120 lao động xuất cảnh, từ đầu năm đến nay, có 110 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Mơ ngụ ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, trước đây cuộc sống gia đình chị rất khó khăn, chật vật. Thông qua việc chính quyền địa phương vận động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chị mạnh dạn động viên các con đi nước ngoài làm việc. Chị Mơ chia sẻ: “Lúc đầu chỉ có đứa con lớn đi, mấy đứa em thấy anh đi lao động có hiệu quả, các em lần lượt cũng đăng ký học nghề để nối gót anh đi lao động ở nước ngoài. Giờ nhà cửa khang trang, có đầy đủ tiện nghi, cuộc sống gia đình thoải mái hơn trước là nhờ các con tôi đi làm việc ở nước ngoài”.


Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp

Được biết, chị Mơ có 5 người con thì đã có 3 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhận thấy, khi con mình đi lao động ở nước ngoài đã thật sự thay đổi được cuộc sống cho bản thân, gia đình, nên chị Mơ tham gia cùng địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người thân tham gia học nghề để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Bởi, việc đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng không chỉ tăng thu nhập mà còn là cơ hội để NLĐ được trau dồi kỹ năng, nâng cao kiến thức, tự lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Từ kết quả trên cho thấy, công tác vận động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện tốt công tác GN và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

NGUYỄN LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn