Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
Cập nhật ngày: 24/05/2023 21:13:53
ĐTO - Trong thời gian qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và chủ đầu tư quan tâm chỉ đạo, thực hiện chặt chẽ theo các quy trình, quy định, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc chấp hành phát luật về an toàn, vệ sinh lao động có lúc, có nơi và ở một số ngành, lĩnh vực vẫn còn một số hạn chế như: chưa tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; sử dụng thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động chưa tuân thủ đúng quy trình, thiếu an toàn, không đúng công suất, không kiểm định lần đầu, định kỳ, không khai báo với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động...
Ảnh minh họa
Để kịp thời chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, an toàn, hạn chế, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư các công trình, chủ doanh nghiệp cần xác định công tác an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của con người, bảo vệ tài sản của nhà nước, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật có liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động từ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và người dân. Chủ động rà soát, tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục ngay những hạn chế về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, kịp thời nắm bắt tình hình người lao động đang làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm, đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động; rà soát danh mục máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động để kiểm định lần đầu, định kỳ và khai báo sử dụng về cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Các chủ đầu tư, đơn vị, doanh nghiệp rà soát người lao động thuộc các nhóm đối tượng huấn luyện và chủ động tổ chức các lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đảm bảo nội dung, thời gian, đối tượng và được cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định pháp luật. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, nhất là khu vực không có quan hệ lao động, lao động tự do phi chính thức, an toàn, vệ sinh trong nông nghiệp; kịp thời xử lý, chấn chỉnh nơi có nguy cơ để xảy ra mất an toàn, vệ sinh lao động. Khi xảy ra tai nạn lao động, các cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động phải kịp thời điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật đối với các vụ tai nạn ít nghiêm trọng hoặc kịp thời khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều tra, xử lý đúng theo quy định pháp luật đối với các vụ tai nạn nghiêm trọng trở lên…
Các cơ quan báo, đài của tỉnh và Cổng Thông tin điện tử tỉnh tăng cường tuyên truyền các chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
NP