Nâng chỉ tiêu đào tạo nghề trong năm 2013

Cập nhật ngày: 10/08/2012 09:48:51

Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo trên 22.000 học viên/năm (trong đó có 6 cơ sở dạy nghề ngoài công lập), có 580 cán bộ nhân viên và giáo viên giảng dạy tại các điểm trường, cơ sở dạy nghề (trong đó có 393 giáo viên cơ hữu).


Từ đầu năm 2012 đến nay, hơn 24,475 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ dạy nghề theo địa chỉ và học viên cao đẳng, trung cấp nghề đóng trợ phí học nghề. Trong 6 tháng đầu năm 2012, các cơ sở dạy nghề thực hiện tuyển mới 8.450 người vào học, đạt 42,25% kế hoạch cả năm gồm đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng. Hiện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các đơn vị trực thuộc Sở phấn đấu đến cuối năm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,2%, tuyển mới vào học nghề 20.000 người (trong đó qua đào tạo nghề đạt 31,5%).

Cùng với việc thực hiện kế hoạch năm 2012, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng đăng ký chỉ tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2013 đạt 49,3% (trong đó qua đào tạo nghề đạt 34,4%). Dự kiến, tổng số học viên tuyển mới trong năm 2013 là 20.000 người; trong đó trình độ cao đẳng nghề 900 sinh viên, trung cấp nghề 3.600 học sinh, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 15.500 học viên. Để thực hiện chỉ tiêu này, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá hiện trạng về tình hình việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh và nhu cầu phát triển của từng địa phương, sử dụng nguồn kinh phí sao cho đạt hiệu quả cao nhất: đầu tư tập trung, trọng điểm; không phân bổ dàn trải; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác dạy nghề cho người dân ở 30 xã điểm nông thôn mới.

Đối với hoạt động dạy nghề theo địa chỉ, tập trung đào tạo công nhân để đội ngũ này vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chọn ngành nghề trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề, khả năng tìm được việc làm và tự tạo việc làm của học viên sau khi hoàn thành khóa học.

Đồng thời, Sở LĐTB&XH cũng kiến nghị với Trung ương tăng kinh phí hỗ trợ từ các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm dạy nghề, tăng cường đầu tư kinh phí nâng cao năng lực dạy nghề cho các trường, trung tâm dạy nghề; đồng thời sớm thông báo kinh phí hỗ trợ về tỉnh, đáp ứng với quy mô, ngành nghề đào tạo của địa phương để các trường, trung tâm chủ động trong việc tuyển sinh - đào tạo; có văn bản quy định về việc liên kết đào tạo nghề; đề xuất Chính phủ điều chỉnh tuổi học nghề trong Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (tuổi cận dưới là 13, tuổi cận trên đối với nữ là 60 và đối với nam là 65).

Viết Nhiều

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn