Thăm CLB nông dân xuất khẩu xoài huyện WangThong, tỉnh Phisanulok

Cập nhật ngày: 08/08/2012 09:24:43

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Phisanulok, diện tích xoài của Thái Lan năm 2010 đạt 316.032ha, sản lượng 2.550.600 tấn, đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Trung Quốc, xuất khẩu được 80.366 tấn xoài (đứng thứ 5 thế giới).


Xoài Cao Lãnh

Để có xoài xuất khẩu quanh năm, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan dựa vào địa lý mà lên lịch mùa vụ thu hoạch xoài cho các tỉnh, các tỉnh cực bắc như: Sukhothai, Chiang Mai, Chiang Rai thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 10; tỉnh Phetchabun và Phisanulok thu hoạch vào tháng 1 đến tháng 3; tỉnh Wang thong, Suphan Buri, Sing Buri và Chat Nat thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9.

Chính phủ Thái Lan và Nhật Bản đã ký hiệp ước liên kết kinh tế Nhật Bản - Thái Lan tự do phi thuế quan, mở đường cho nông sản Thái vào Nhật, chỉ định Công ty P&E Techno đứng ra đầu tư trên 2 triệu USD để trang bị máy xử lý hơi nước nóng để duy trì chất lượng xoài trước khi xuất khẩu. Công ty này mua xoài của các tổ đạt chứng nhận GAP với giá thấp nhất là 60 Bath (41.800 đồng/kg) trong khi giá xoài bên ngoài chỉ bán được 10-15 Bath/kg. Công ty này bán xoài cho Nhật với giá 104-179 Bath/kg (78.800 -136.000 đồng/kg).

Tổ sản xuất xoài ở huyện Wang Thong, tỉnh Phisanulok có 52 thành viên, mỗi thành viên sở hữu diện tích khoảng 6ha (đất trồng xoài vùng này thuộc đất cát độ phì kém không có kênh dẫn nước, phải nhờ vào nước mưa). Các kỹ thuật canh tác xoài ở Thái Lan tương tự như ở Đồng Tháp, nhưng chỉ khác là họ tiến hành đồng loạt, từ khâu tỉa cành, tạo tán, bón phân theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để thu hoạch theo lịch phân công của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. Nông dân sau khi bán xoài sẽ trích lại 10 Bath để làm quỹ chung đầu tư, nhà sơ chế và mua vật tư cho vụ tới.

Sau khi thu hoạch, nhà sơ chế tiến hành phân loại xoài, loại 1 từ 401-600gam/trái dành cho xuất khẩu, xoài loại 2 dành cho tiêu thụ nội địa và xoài loại 3 dành cho chế biến. Sau khi thu hoạch, xoài loại 1 khoảng 300 - 400 tấn, còn lại tổ viên có thể bán ngoài 300 - 400kg và xoài loại 3 thì bán cho công ty chế biến (khách hàng riêng). Bán ngoài thì Công ty trả tiền cho tổ, sau đó tổ trả lại tiền cho nông dân và thu phí 2 Bath/kg làm quỹ lại cho tổ. Khi trúng mùa tổ trưởng khen thưởng cho xã viên giỏi có xoài đạt chất lượng cao.

Tại Đồng Tháp, HTX xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã được công nhận GAP và mã vạch xuất khẩu, các xã Mỹ Thọ, Tịnh Thới, Tân Thuận Tây đang chờ chứng nhận Việt GAP. Đề nghị xây dựng nhà sơ chế ở huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh kết hợp tìm doanh nghiệp thu mua tiêu thụ qua các kênh phân phối trong và ngoài nước.

DT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn