Nên thay đổi cách giáo dục về an toàn giao thông
Cập nhật ngày: 21/01/2013 05:19:45
Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin về an toàn giao thông luôn chiếm một thời lượng lớn và được phát hoặc đăng trong những giờ vàng hay trên những trang chính của báo, đài.
Nhưng có điều là các thông tin trên ít khi nói về an toàn giao thông hay hướng dẫn cho người tham gia giao thông nên đi như thế nào cho an toàn mà thường nói về tai nạn giao thông, về số vụ mà Cảnh sát giao thông đã phạt trong ngày, trong tuần hoặc thông báo tăng mức thu phí giao thông và nhiều thứ phí khác để người dân không mua xe, đến mức loạn phí... khiến người tham gia giao thông ớn mà không dám ra đường, thậm chí có đài phát những hình ảnh rùng rợn, cùng với những âm thanh ma quái nghe rất phản cảm... Mục an toàn giao thông sao không đề cập đến vấn đề an toàn mà lại nói nhiều về tai nạn đến vậy?
Tai nạn giao thông được nhắc đến nhiều và tốn quá nhiều thời gian, công sức, từ giáo dục cho tới xử phạt nhưng tai nạn giao thông vẫn không giảm... Theo tôi trong suốt thời gian dài vừa qua, chúng ta quá thiên về thông tin tai nạn, liệt kê số vụ cho mọi người sợ hơn là đưa ra hướng dẫn cách tham gia giao thông như thế nào cho an toàn, nên chăng cần thay đổi cách tuyên truyền từ làm cho người ta sợ sang cho người ta biết cách tham gia giao thông.
Ví dụ các Đài Phát thanh Truyền hình, báo chí nên thông tin lộ trình của từng đoạn đường của mỗi địa phương như xe chạy đến thị trấn, thị tứ tốc độ quy định 40km/giờ, xe chạy đến khu vực bệnh viện không được nhấn còi, nếu vi phạm sẽ bị phạt bao nhiêu tiền, chạy quá tốc độ, người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia thì phạt bao nhiêu tiền... để người tham gia giao thông biết và thuộc luật lệ khi chạy xe ra đường và người nhà của họ cũng nhắc người thân của mình khi tham gia giao thông.
Cách tuyên truyền này sẽ làm cho người tham gia giao thông có tinh thần tự giác cao và thân thiện với cảnh sát giao thông hơn là chống đối như hiện nay, bởi số người vi phạm phần đông là do họ không nắm vững luật giao thông.
Vậy hàng ngày thay vì thông tin tai nạn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng làm cho người ta sợ, thì nay nên chuyển sang hướng dẫn cho họ biết phải tham gia giao thông như thế nào là đúng.
Tôi tin cách làm này sẽ hiệu quả vì khi người tham gia giao thông biết rõ luật và mức phạt của từng lỗi vi phạm sẽ tự giác ý thức và chấp hành nghiêm những quy định khi tham gia giao thông.
Đỗ Hoàng Tiễn