Ngôi nhà an toàn cho trẻ

Cập nhật ngày: 26/04/2013 04:14:40

Để phòng ngừa trẻ bị tai nạn thương tích, gần đây tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, nhiều người dân đã có ý thức làm hàng rào kiên cố quanh nhà; các đồ dùng trong gia đình như dao kéo; các chai thuốc trừ sâu... cũng được cất cẩn thận.

Anh Bùi Minh Dũng - cán bộ Lao động, Thương binh, Xã hội xã Tân Kiều cho biết, người dân có ý thức bảo vệ con em mình một phần nhờ vào mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”. Mô hình được thực hiện cách nay hơn 1 năm trên địa bàn xã, trong đó ấp 2 được chọn là ấp điểm.


Nhiều nhà đã xây cầu dẫn vào nhà kiên cố

Ấp 2, xã Tân Kiều có 275 trẻ dưới 16 tuổi là con em của 189 hộ gia đình. Trước đây không ít người vẫn còn chủ quan trong việc phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng như: xảy ra các vụ đuối nước, bạo lực trẻ em, té ngã phải nhập viện,...

Trước thực trạng này, ngay khi bắt tay vào thực hiện mô hình, các ban, ngành, đoàn thể xã, Ban nhân dân ấp 2 cùng 10 cộng tác viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chủ hộ tham gia thực hiện mô hình bằng nhiều cách như: tuyên truyền trực tiếp tại nhà, tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm tại ấp, các buổi phát thanh trên loa truyền thanh của xã,... Các nội dung tuyên truyền gồm: đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà, các phòng trong ngôi nhà, an toàn về điện, an toàn cầu thang, lan can và đảm bảo an toàn về các đồ dùng gia đình.

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng - cộng tác viên của mô hình cho biết, qua tuyên truyền, giải thích các tiêu chí của mô hình kèm theo minh họa hình ảnh, các hộ dân đều đồng ý đăng ký thực hiện. Sau khi đăng ký mô hình, nhiều hộ bước đầu có ý thức trong việc trông coi, bảo vệ, phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ.

Chị Phan Thị Kim Huệ (Sinh năm 1978) ngụ ấp 2 chia sẻ: “Tôi có đứa con trai 11 tuổi, trước đây cây cầu từ nhà bắc ra đường làm bằng gỗ rất yếu, phía dưới cầu là ao nước, nếu bé té xuống rất nguy hiểm. Sau khi tham gia mô hình, tôi đã xây cầu kiên cố, có cửa đóng an toàn nên rất yên tâm”.

Ngoài công tác tuyên truyền, từ khi thực hiện mô hình đến nay, xã đã tổ chức 7 lớp phổ cập bơi cho trẻ, Câu lạc bộ Trẻ của xã cũng tổ chức diễn đàn trẻ em để nghe những tâm tư, nguyện vọng của trẻ, vận động các gia đình đưa trẻ từ 0-5 tuổi vào các điểm giữ trẻ bán trú, trường mẫu giáo trên địa bàn xã. Bà Nguyễn Thị Út - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kiều cho biết, chính quyền địa phương và người dân rất phấn khởi khi được huyện triển khai mô hình. Phần lớn người dân tham gia mô hình đã có ý thức thực hiện tốt các tiêu chí.

Mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em” được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tháp Mười triển khai duy nhất trên địa bàn xã Tân Kiều. Tuy số hộ đạt các tiêu chí của mô hình chưa nhiều (92/189 hộ) nhưng sau khi thực hiện mô hình, ý thức người dân trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ em dần được nâng cao, qua đó lâu dài có thể nhân rộng mô hình này đến các địa phương khác trong toàn huyện.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn