Người cao tuổi mong muốn có việc làm
Cập nhật ngày: 29/03/2013 04:46:16
Theo Hội Người cao tuổi tỉnh, toàn tỉnh hiện có 124.000 hội viên (HV) tham gia sinh hoạt tại 724 chi hội, 3.641 tổ hội. Bên cạnh những HV có cuộc sống sung túc, ổn định về kinh tế, vẫn còn những HV có cuộc sống khó khăn. Dù đã tuổi cao, nhưng các HV vẫn mong muốn được học nghề, lao động phù hợp với khả năng để có thêm thu nhập.
Người cao tuổi tham gia làm nghề để cải thiện thu nhập
Bà Lê Thị Nhi ngụ ấp Đông Mỹ, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh trên 60 tuổi đang sống một mình, do các con đi làm ăn xa. Để có thu nhập bà phải lột hạt sen thuê cho những hộ gần đó, mỗi ngày lột 1kg hạt, bà kiếm được 12.000 đồng, đây là mức thu nhập quá thấp đối với 1 người lớn tuổi. Có khi đang bệnh, nhưng bà vẫn tranh thủ lột hạt sen để kiếm tiền trang trải chi phí trong nhà. Bà Nhi kể: “Mỗi tháng, tiền điện, tiền nước, tiền chợ, đám tiệc. Lột hột sen cực, vất vả nhưng cũng có chút ít tiền chi xài trong nhà...”.
Bà Nguyễn Thị Tư - ngụ ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười trên 60 tuổi. Mỗi ngày bà cùng con trai nhận lục bình nguyên liệu về đan giỏ. Bình quân người trẻ tuổi mỗi ngày đan được 1 cái, nhưng bà phải mất 2,3 ngày, mỗi cái bà kiếm được từ 40.000 - 60.000 đồng, có tiền chi tiêu dành dụm lúc tuổi già.
Do người cao tuổi không thuộc chương trình đào tạo nghề nên đa phần học nghề đan đát, nhận nguyên liệu từ những người thân là hội viên các hội đoàn thể trong gia đình để đan kiếm tiền thu nhập khi nhàn rỗi. Một số người cao tuổi mong muốn được các hội đoàn thể tạo điều kiện cho họ học nghề.
Cô Nguyễn Thị Nga ngụ ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò cho biết: “Phụ nữ lớn tuổi, nhà nghèo như tôi rất khó tìm việc làm, đi làm mướn người ta cũng mướn người trẻ, ít khi mướn người già. Vì vậy, ngoài tự tìm việc làm cho mình, tôi muốn được học nghề nhẹ nhàng để làm thêm lúc rảnh rỗi...”. Tại ấp này, không chỉ có tôi, mà nhiều người cao tuổi khác cũng có chung mong muốn được học nghề để cải thiện thu nhập”.
Về phía đơn vị phụ trách công tác đào tạo nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang có văn bản kiến nghị đề xuất Chính phủ tháo gỡ những khó khăn do độ tuổi quy định trong đào tạo nghề đối với nam từ 16 - 60 tuổi, đối với nữ từ 16 - 55 tuổi. Bởi trên thực tế có những nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lao động học nghề là nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi vẫn tham gia gia công sản phẩm được; mặt khác người lao động trong độ tuổi này có thể học nghề tự tạo việc làm, làm thêm tại hộ gia đình. Do đó, nên chăng cần xem xét, điều chỉnh nới rộng tuổi học nghề theo đặc thù của ngành nghề đào tạo.
C.Phương