Người xa quê chuẩn bị Tết
Cập nhật ngày: 21/01/2013 06:04:23
Đất lành chim đậu, lâu nay đất Đồng Tháp hiền lành níu chân bao người từ miền Bắc, Trung vào sinh sống lập nghiệp. Với bản tính chịu thương chịu khó, tiết kiệm chi tiêu, họ đã có cuộc sống sung túc ổn định và xem Đồng Tháp như quê hương thứ 2 của mình.
Hội thi gói bánh chưng
Mỗi khi tết đến, người quê gốc Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Tĩnh vẫn giữ được nét truyền thống quê mình là gói bánh chưng, làm thịt đông, dưa món, bày trí nhà cửa, cúng kiếng ông bà trong những ngày tết. Chú Trần Xuân Tập, ấp 3, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười gắn bó với vùng đất Tháp Mười hơn 10 năm. Sau nhiều năm tiết kiệm, tích lũy đến nay chú có 20 công ruộng, cuộc sống ổn định.
Hỏi về chuyện chuẩn bị tết, chú Tập cho biết: “Dù bận rộn thế nào thì tết đến, cũng trang trí nhà cửa làm cơm cúng kiếng ông bà, đi chúc Tết bạn bè, người thân. Làm gì thì cũng không quên việc đồng áng, mồng 1, chúng tôi phải ra đồng thăm lúa...”.
Phía sau nhà chú Phạm Ngọc Trọng - Giám đốc Công ty TNHHMTV Dịch vụ Bảo vệ - Vệ sĩ Trường Sơn, trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình có trồng bụi lá dong xanh tốt. Vào Đồng Tháp sống đã nhiều năm, để đỡ nhớ quê, chú Trọng mang gốc cây dong từ quê vào trồng để có lá gói bánh chưng. Mỗi năm khi xuân về, gia đình chú lại gói bánh chưng để cúng ông bà, biếu bạn bè gần xa.
Chú Trọng chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cả nhà quây quần gói bánh chưng, năm nay cũng thế, gói bánh để cúng ông bà vào những ngày đầu năm mới. Dù xa quê nhưng vẫn duy trì phong tục truyền thống này cho con cháu mai sau...”.
Chăm lo cho những người xa quê, hiện tại các hội đồng hương đang sinh hoạt tại Đồng Tháp cũng đã có kế hoạch chuẩn bị họp mặt trong những ngày xuân. Theo Hội đồng hương Ninh Bình tại Đồng Tháp, hiện tại người Ninh Bình vào sống tập trung tại các xã Phú Cường (huyện Tam Nông), Tân Phước, Tân Công Chí (huyện Tân Hồng)... Từ những khó khăn ban đầu, sau thời gian gắn bó, cuộc sống của những người xa quê đã dần ổn định, sung túc. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, Ban liên lạc hội đồng hương Ninh Bình lại họp mặt những người đồng hương từ các địa phương về thành phố Cao Lãnh chúc tết, thăm hỏi, động viên nhau.
Chú Trọng cho biết thêm: “Cứ khoảng 23/12 âm lịch, mọi người cùng quê Ninh Bình lại quây quần về với nhau để hàn huyên, chia sẻ những vui buồn của năm cũ, động viên, chúc nhau năm mới. Đây là hoạt động thường niên của Hội. Sau họp mặt những ngày đầu năm, anh em lại đến nhà, chúc tết nhau, không khí rất phấn khởi...”.
Cùng với Hội đồng hương Ninh Bình, Hội đồng hương Hà Tĩnh cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị cho những ngày cuối năm và sang năm mới. Hiện hội có 6 chi hội tại 12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Mỗi năm Hội họp mặt 1 lần, trong những ngày tết, Hội thường đến chúc tết, trao quà cho những hội viên lớn tuổi, gia đình khó khăn. Những ngày xuân mới, Hội đồng hương Hà Tĩnh thường tổ chức cho hội viên đến Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc để thắp hương bày tỏ sự tri ân, thành kính.
C.Phương