Nhiều giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội ở vùng biên
Cập nhật ngày: 28/10/2023 19:43:46
ĐTO - Là địa phương vùng biên giới, huyện Hồng Ngự tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm tệ nạn xã hội (TNXH). Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Hồng Ngự chủ động phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người. Đồng thời quan tâm thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần tạo thu nhập cho lao động tại địa phương, hạn chế nguy cơ tham gia các TNXH.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hồng Ngự phối hợp Công an huyện tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho người dân tại thị trấn Thường Thới Tiền
Triển khai Kế hoạch của UBND huyện Hồng Ngự về phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người trên địa bàn huyện, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp các lực lượng chức năng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng nội dung tuyên truyền các chính sách pháp luật mới về công tác phòng, chống TNXH và phát sóng trên Đài truyền thanh huyện, Trạm truyền thanh các xã, thị trấn. Tăng cường tuyên truyền nhân “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7)” bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, treo băng-rôn, tổ chức các buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề... Đến nay, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã, thị trấn đã tổ chức 22 cuộc tuyên truyền, thu hút hơn 770 người dân tham dự; tổ chức treo 25 băng-rôn về nội dung phòng, chống ma túy, mại dâm tại các tuyến đường chính, các khu dân cư, khu vực ven biên giới. Đồng thời thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt chi, tổ, hội đã lồng ghép tuyên truyền phòng, chống TNXH cho hơn 2.100 đoàn viên, hội viên và người dân địa bàn cơ sở.
Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn mở 23 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho người lao động tại địa phương. Các lớp nghề gồm: sửa kiểng bonsai, đan thảm lau chân, thắt võng, kỹ thuật chăm sóc móng và tóc, may công nghiệp... thu hút hơn 600 lao động nông thôn tham gia, trong đó có trên 90% học viên có việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp UBND xã, thị trấn tư vấn, giới thiệu tạo việc làm mới cho 2.464 lao động, trong đó có 114 lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho người lao động nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, không để đối tượng tội phạm lôi kéo tham gia các hoạt động TNXH.
Công tác đưa người sử dụng trái phép chất ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và áp dụng biện pháp giáo dục tại cộng đồng được địa phương thực hiện đảm bảo đúng quy định. Theo số liệu thống kê, toàn huyện có 48 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy được UBND xã, thị trấn lập hồ sơ quản lý. Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn xem xét, đề nghị Tòa án nhân dân huyện ra Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở điều trị nghiện bắt buộc 10 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Đối với các trường hợp quản lý tại cộng đồng, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên đến gặp gỡ, trao đổi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng; xem xét đề xuất hỗ trợ, giới thiệu việc làm nhằm giúp cho các đối tượng có việc làm, ổn định cuộc sống và không tái nghiện.
Với nỗ lực triển khai nhiều giải pháp của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã, thị trấn, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Hồng Ngự chưa xảy ra tội phạm mua bán người, các TNXH được kiềm chế, kéo giảm. Phát huy kết quả đạt được, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia tố giác tội phạm của Nhân dân. Cùng với đó, phối hợp với ban, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm...
P.L