Nhịp sống chợ đêm

Cập nhật ngày: 07/10/2013 04:58:13

1 giờ khuya, chợ đêm hàng nông sản Cao Lãnh (phường 2, thành phố Cao Lãnh) bắt đầu nhóm, người mua kẻ bán, xe ra, vào nhộn nhịp...

Chợ đêm hàng nông sản Cao Lãnh trước đây nhóm tại khu vực Miếu Ông Bà chủ chợ, sau được dời về phía sau chợ cá. Chợ nhóm từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau, thu hút rất nhiều tiểu thương chở rau củ, quả đến từ An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long và các huyện, thị, thành trong tỉnh.


Tiểu thương trao đổi mua bán hàng hóa lúc 1 giờ khuya

Có 3 dạng tiểu thương đến chợ đêm: một số người chuyên chở phân phối hàng với số lượng lớn, một số chuyên thu gom từ nơi khác mang về bán cho các sạp hàng rau tại các chợ và người trồng rau mang đến chợ bán cho thương lái. Từ khi mùa nước lên đến nay, mỗi đêm bắt đầu từ 10 giờ, anh Trần Văn Hoàng ngụ tại chợ Tân Thạnh, huyện Thanh Bình đều chở 100kg rau nhút đến chợ.

Anh Hoàng chia sẻ: “Mùa nước, tôi trồng rau nhút, thu hoạch bán mỗi đêm kiếm được 100.000 đồng. Mùa khô thì bán được khá hơn”. Trong dòng người nhộn nhịp, chị Nguyễn Thị Oanh ngụ ấp Tân Hòa Thượng, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò chở trên 100kg rau, củ các loại đến chợ. 5 năm qua, công việc của chị đều đặn như vậy. Mỗi đêm bán hàng ở chợ, chị kiếm được vài trăm ngàn đồng để chi tiêu trong nhà, nuôi con ăn học... Đi từ 2 giờ khuya, đến 3 giờ sáng chợ tan, bán hết hàng, chị Oanh lại trở về chợ Cai Châu, xã Tân Mỹ bán đến trưa mới về nghỉ ngơi.

Bên ngoài chợ tấp nập là nơi dành cho những người có nhiều hàng thì khuất bên trong là nơi bán của những người lớn tuổi nhưng ít vốn liếng. Bà Huỳnh Thị Bớt (55 tuổi), ngụ khóm 3, phường 4, TP.Cao Lãnh, gần 10 năm ngồi bán chợ khuya. Thức từ 12 giờ khuya, chở các loại rau củ mua được từ chiều đến chợ. Vốn ít, mỗi đêm bà kiếm được vài chục ngàn đồng nhưng có khi hàng dội chợ ế ẩm, hư hỏng.

Càng về khuya, người đi chợ càng đông. Những sạp hàng ở phía trong có người nằm ngủ co ro giữa trời sương lạnh để chờ phiên chợ. Trong chợ đêm thấp thoáng bóng dáng của những người nam, ngồi cân hàng, khuân vác hay đơn thuần là ngồi giữ xe cho vợ. Như vợ chồng chị Thúy Liễu ngụ khóm Mỹ Long, phường 3, thành phố Cao Lãnh, đã 10 năm rồi anh chị làm nghề bán nấm rơm. Thương chị tảo tần chợ đêm, nên chồng chị Liễu cũng đi theo

Cách chợ vài mét là xe hủ tíu, thúng xôi vò, cà phê. Chị Hoàng ngụ phường 3, TP.Cao Lãnh hơn 5 năm qua, đêm nào cũng thức thâu đêm bán cà phê, mỗi đêm chị kiếm được từ 70.000 - 100.000 đồng trang trải tiền nuôi con ăn học. Để có chỗ bán đêm, chị Hoàng phải thuê với giá 1,2 triệu đồng/tháng.

Khó khăn là vậy, nhọc nhằn khó kể hết nhưng ẩn sâu trong mỗi người mua bán ở chợ đêm là niềm tin về cuộc sống ngày mai. Chị Liễu tâm sự: “Thèm nhất là được ngủ một đêm ngon giấc như bao người, nhưng hoàn cảnh khó khăn, phải thức, ban đầu mệt lắm nhưng sau cũng quen. Phần mình cực khổ, ráng làm nuôi con ăn học, hy vọng mai sau nó lớn lên không vất vả, nhọc nhằn như mình...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn