Quản lý phát triển xã hội vì mục tiêu phát triển con người bền vững

Cập nhật ngày: 21/11/2021 06:13:40

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211121061626mobifone_audio_1637450167451.mp3

ĐTO - Quản lý phát triển xã hội hướng đến mục tiêu điều tiết các quan hệ xã hội, hoàn thiện các thiết chế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo cho con người phát triển toàn diện. Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của chủ trương này đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm quản lý phát triển xã hội bền vững, hướng đến mục tiêu phát triển con người.


Người dân đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng công trình nông thôn (ảnh tư liệu). 
Ảnh: Mỹ Nhân

Quản lý phát triển xã hội là sự tác động có chủ đích, định hướng, tổ chức của chủ thể quản lý đến các khách thể (con người, cộng đồng, các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội,...) nhằm mục tiêu phát triển xã hội bền vững.

Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp thực hiện quản lý phát triển xã hội hiệu quả. Theo đó, công tác an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Đạt được kết quả này là do tỉnh huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, người có công. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người nghèo ngày càng đi vào thực tế, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, phát triển ngành nghề nông thôn, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,74%/năm.

Hoạt động bảo trợ xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, có trên 60.000 đối tượng được trợ cấp tại cộng đồng, trên 11.000 người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên. Tỉnh còn hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 5.200 căn nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng mới 2.050 căn nhà tình nghĩa. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức, nội dung chương trình dạy được đổi mới, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị trong giảng dạy, gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.

Điểm nhấn của Đồng Tháp trong thời gian qua là công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Nguồn nhân lực y tế được cải thiện, trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ y tế được nâng lên; có 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện được đầu tư, nâng cấp, phục vụ tốt hơn việc chẩn đoán, điều trị bệnh, góp phần nâng cao năng lực điều trị tại chỗ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 143/143 xã, phường thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 90%.


Công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp (ảnh tư liệu). 
Ảnh: Mỹ Nhân

Nhìn tổng thể, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân Đồng Tháp năm sau cao hơn năm trước. Hình ảnh vùng đất, con người Đồng Tháp càng đẹp hơn, tốt hơn, ấn tượng hơn trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, việc quản lý phát triển xã hội và giải quyết một số vấn đề xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Theo đó, việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng cao, nhất là đội ngũ bác sĩ và các kỹ thuật viên chuyên ngành, có trình độ chuyên sâu còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng quá tải ở các bệnh viện vẫn còn xảy ra. Nhu cầu thiết yếu về dân sinh tại một số nơi, trước hết là đất ở cho Nhân dân vùng sạt lở, nhà ở cho hộ nghèo và đời sống của cư dân biên giới còn khó khăn.

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập về quản lý phát triển xã hội, trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tới là: “Thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập, phúc lợi xã hội. Nâng cao năng lực y tế các cấp đủ sức xử lý và tham gia giải quyết các tình huống, vấn đề y tế đột xuất, phức tạp, bất ngờ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Đồng Tháp”.

Trong thời gian tới, để tạo sự chuyển biến trong quản lý phát triển xã hội bền vững, tỉnh cần giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc xã hội, nhất là các vấn đề về quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa lao động với doanh nghiệp, vấn đề tạo điều kiện để người dân có việc làm và thu nhập ổn định, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Đồng thời thực hiện có hiệu quả chính sách với người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, kết hợp với nguồn lực Nhà nước. Thường xuyên cập nhật, bổ sung và triển khai thực hiện tốt các chính sách tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách ưu đãi với người có công; tăng cường hỗ trợ người có công phát triển sản xuất, học nghề, việc làm, tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội, đặc biệt là người có công thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nông thôn, vùng biên giới.


Trách nhiệm, thái độ phục vụ bệnh nhân của cán bộ y tế từng bước được nâng cao (ảnh tư liệu). 
Ảnh: Mỹ Nhân

Cùng với đó, nâng cao chất lượng sống của người dân và chất lượng, hiệu quả trợ giúp cho các đối tượng yếu thế, neo đơn. Thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân tiếp cận giáo dục, y tế, văn hóa, thụ hưởng các thành quả phát triển của tỉnh. Song song đó, phát triển dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng của Nhân dân; chú trọng công tác dân số và bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả khám, chữa bệnh của tuyến y tế cấp huyện, cấp xã; quan tâm chăm sóc sức khỏe các đối tượng bảo trợ xã hội; tiếp tục thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân.

Mặt khác, huy động tối đa sự tham gia đóng góp của người dân, cộng đồng vào các chương trình, dự án phục vụ an sinh xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng biên giới. Củng cố và nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chú trọng việc làm và thu nhập của dân cư nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; nhân rộng và phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

PHẠM NGỌC HÒA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn