Sự cần thiết thành lập công đoàn doanh nghiệp trong các khu công nghiệp

Cập nhật ngày: 17/09/2012 07:51:40

Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) là SaĐéc, Sông Hậu, Trần Quốc Toản và khu kinh tế cửa khẩu. Những năm đầu mới hình thành các KCN, tiến độ đầu tư khá tốt, sang năm 2011 tiến độ đầu tư vào các KCN có phần chậm lại.

Hiện có 51 dự án đầu tư vào các KCN trong tỉnh, trong đó có 40 dự án đi vào hoạt động, 10 dự án đang xây dựng và 1 dự án mới cấp phép. Trong 40 dự án đang hoạt động chỉ có 29 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số còn lại là chi nhánh của các doanh nghiệp đang hoạt động.

Ngày 12/5/2011, Công đoàn KCN được thành lập đã tiến hành vận động thành lập mới 5 Công đoàn cơ sở (CĐCS), đến nay Công đoàn KCN trực tiếp quản lý 26 CĐCS doanh nghiệp (tức 100% doanh nghiệp đều thành lập Công đoàn) với 6.619 đoàn viên/8.648 công nhận lao động và gần 2.000 lao động hợp đồng thời vụ. Ngoài ra còn 4 chi nhánh doanh nghiệp có Công đoàn bộ phận trực thuộc các CĐCS công ty mẹ ở ngoài tỉnh.

Trước khi có Công đoàn KCN, các cơ sở trực thuộc các huyện, thị, thành phố và trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh nên chưa được sự hướng dẫn trực tiếp của công đoàn cấp trên cơ sở chuyên hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, từ đó hoạt động ở nhiều cơ sở chưa đảm bảo đúng chức năng nhiệm vụ. Từ giữa năm 2011 đến nay, được sự hướng dẫn của Công đoàn KCN cộng với sự nỗ lực cố gắng của các CĐCS, các vấn đề về quan hệ lao động được cải thiện đáng kể.

Đáng chú ý nhất là công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân lao động được tổ chức liên tục như: tổ chức sân chơi công nhân, đối thoại với công nhân lao động, mở thùng thư góp ý, tổ chức điểm tiếp công nhân lao động... Nhờ đó, các vấn đề bức xúc của công nhân lao động được phát hiện và doanh nghiệp kịp thời tham gia giải quyết, do đó tình hình tranh chấp lao động tập thể và đình công giảm đáng kể. Trước đây, mỗi năm xảy ra hơn 10 cuộc mỗi năm thì năm qua chỉ xảy ra 2 vụ, ngăn chặn ít nhất là 5 cuộc đình công tự phát trái pháp luật và gần 10 vụ tranh chấp lao động tập thể có thể xảy ra.

Có trên 85% CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động, ký thỏa ước lao động tập thể như CĐCS Công ty XNK Sa Giang đã thương lượng ký được thỏa ước lao động được trên 20 nội dung có lợi hơn cho người lao động; CĐCS Công ty TNHH Đại Niên Kỷ có trên 10 nội dung, đặc biệt là CĐCS Công ty CP Docifish là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thương lượng thành công việc quy định nâng lương hàng năm cho trực tiếp sản xuất ngành chế biến thủy sản.

Các CĐCS đều tập trung quan tâm theo dõi đến việc thực hiện các chế độ chính sách cho công nhân lao động như: tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, BHTN, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ ốm đau, thai sản, hiếu, hỷ, tai nạn lao động, trợ cấp độc hại... Ngoài việc thực hiện các chế độ đúng quy định của pháp luật, các doanh nghiệp còn tổ chức thưởng và tặng quà cho công nhân lao động nhân các ngày lễ, Tết cổ truyền, Tết trung thu cho công nhân lao động và con công nhân lao động; trước tình hình lạm phát cao, nhiều CĐCS đã tham gia với sự lãnh đạo của Công ty phụ cấp thêm ngoài lương hàng tháng giúp công nhân lao động ổn định cuộc sống.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các CĐCS doanh nghiệp đều cố gắng thể hiện được vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho công nhân lao động, từng bước thể hiện nhiệm vụ là cầu nối giữa người lao động với người sử dụng lao động, góp phần quan trọng xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thanh Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn