Tai nạn thương tích luôn rình rập trẻ em

Cập nhật ngày: 10/08/2012 15:13:13

Trong những năm qua, Đồng Tháp đã đẩy mạnh thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em. Nhiều giải pháp được triển khai như: đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, chống TNTT trẻ em; xây dựng ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn cho trẻ... Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác phòng, chống TNTT cho trẻ vẫn chưa thực sự hiệu quả.


Em Nguyễn Hồng Vịnh bị TNTT đang điều trị tại bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có hơn 5.000 trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 19 bị TNTT, trong đó có 32 trẻ bị đuối nước, gần 2.000 em bị tai nạn giao thông, 1.478 em bị ngã; 55 em bị súc vật cắn, 162 em bị bỏng... TNTT đã cướp đi sinh mạng của 24 trẻ em. TNTT đang là mối đe dọa đối với trẻ em từng ngày, từng giờ.

Thực tế cho thấy TNTT đã gây tổn hại cho trẻ em từ thể xác đến tinh thần. Điển hình như em Nguyễn Hồng Vịnh (12 tuổi) ở ấp 2, xã Mỹ Ngãi, thành phố Cao Lãnh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Trong một lần đi nhờ xe máy của người quen, em đã bất cẩn trượt chân trúng vào căm xe máy bị thương nặng, hơn một tháng qua em phải nằm điều trị ở bệnh viện, đến nay vết thương vẫn chưa lành. Vịnh cho biết: “Lần đầu đi xe máy bị kẹt căm em thấy sợ vô cùng, vết thương hở làm em đau nhức rất khó chịu, sau này em sẽ cẩn thận hơn”.

Cạnh phòng của Vịnh có em Nguyễn Minh Thùy (5 tuổi) bị té gãy xương tay, em được phẫu thuật nối xương, vết thương vẫn còn đau nhức, khó chịu, em cứ khóc la suốt ngày.

Theo các ngành chức năng, nguyên nhân TNTT ở trẻ em là do nhận thức, kiến thức phòng ngừa TNTT cho trẻ em ở một số gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ còn yếu. Mặt khác, do thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, ý thức của các chủ phương tiện tham gia giao thông còn chưa cao và do điều kiện khách quan như: địa hình phức tạp, nhiều sông, hồ, ao, đường giao thông quanh co, lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, các điểm vui chơi dành cho trẻ em còn thiếu và không hợp lý...

Những năm qua, công tác phòng, chống TNTT trẻ em đã được tăng cường. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều xây dựng kế hoạch phòng, chống TNTT cho trẻ với các nội dung thiết thực như: khuyến cáo về cách bảo vệ, chăm sóc trẻ; sắp đặt các vật dụng trong nhà một cách an toàn; những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra đối với trẻ... nhằm giúp mỗi người có cách nhìn nhận đúng đắn và có cách bảo vệ, chăm sóc trẻ tốt nhất. Kế hoạch phòng, chống TNTT trẻ em thường xuyên được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn cho mạng lưới cán bộ, công nhân viên, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ và được hướng dẫn ngay trong cộng đồng dân cư, song hiệu quả vẫn chưa mấy khả quan.

Để công tác phòng, chống TNTT trẻ em thật sự hiệu quả, bên cạnh việc quan tâm chăm lo giáo dục trẻ em, các ngành chức năng và các bậc phụ huynh cần quan tâm phòng ngừa TNTT cho trẻ nhằm bảo vệ các em, xem trách nhiệm phòng, chống TNTT cho trẻ em là trách nhiệm chung của cả gia đình, cộng đồng và xã hội.

Lệ Chi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn