Tăng tốc trong công tác đào tạo nghề

Cập nhật ngày: 14/06/2013 04:52:12

Tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên toàn tỉnh đạt 26,6% góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% so với tổng số lao động hoạt động kinh tế.


Học viên tham gia học nghề

Nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, chất lượng nguồn nhân lực phải được nâng lên một bước. Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 23/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2015 ban hành đã tạo động lực để tăng tốc trong công tác đào tạo nghề.

Chỉ tiêu đề ra là tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề giai đoạn 2011-2015 mỗi năm tăng 2,8% (trước đây tỷ lệ này chỉ tăng từ 2 đến 2,5%/năm), đến năm 2015 đạt 40%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55,5%.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng lên đáng kể, đạt 31,5% vào cuối năm 2012, tăng 2,8% so với năm 2011. Kết quả này được thể hiện rõ nét từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số học viên tuyển mới ở các cấp trình độ đào tạo trong 2 năm 2011-2012 là 40.691 người, đạt 102% so chỉ tiêu kế hoạch năm (cao đẳng nghề 1.999 người, trung cấp nghề 4.663 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 34.029 người); trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 là 21.303 người, chiếm 52,4% so với tổng số học viên tuyển mới (nhóm nghề nông nghiệp là 2.403 người; nhóm nghề phi nông nghiệp là 18.900 người).

Sau khóa học nghề, người lao động có thể tự tìm việc làm để cải thiện cuộc sống, lao động nông thôn có thêm việc làm hoặc tự tạo việc làm trong những lúc nông nhàn; có nhiều mô hình dạy nghề mang lại hiệu quả thiết thực như: mô hình dạy nghề lưu động được tổ chức tại các cụm, tuyến dân cư, dạy theo hình thức truyền nghề tại các làng nghề ở địa phương, dạy nghề theo địa chỉ tại các doanh nghiệp.

Số người có việc làm và thu nhập đúng với nghề được học đạt bình quân là 75%, riêng dạy nghề theo địa chỉ thì tỷ lệ này đạt 100% vì sau khi ra trường học viên vào làm việc ngay tại doanh nghiệp nhận đào tạo, góp phần đáng kể trong việc tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Hiện nay, cơ sở dạy nghề được phủ khắp 12 huyện, thị, thành của tỉnh đã tạo nhiều cơ hội thuận lợi để người dân đăng ký học nghề; đội ngũ giáo viên cũng được giữ ở mức ổn định là 580 người, số giáo viên dạy nghề đạt chuẩn hiện chiếm trên 80%. Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đều có tổ chức mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề theo kế hoạch của Tổng cục Dạy nghề nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề theo quy định. Chương trình giáo trình dạy nghề cũng được cập nhật, cải biên thường xuyên nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế của địa phương và thị trường lao động.

Hàng năm, các trường, trung tâm dạy nghề đều được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề thuộc nguồn ngân sách địa phương và dự án nâng cao năng lực dạy nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả đào tạo.

Viết Nhiều

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn