Tháp Mười: Hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Cập nhật ngày: 23/01/2013 04:43:41

Thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn, huyện Tháp Mười đã triển khai nghiêm túc các văn bản có liên quan về phòng, chống BLGĐ đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua hệ thống loa truyền thanh, phát tài liệu, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi hội họp, sinh hoạt,... nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Qua đó, giai đoạn 2011-2012, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện phối hợp tổ chức 20 cuộc truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình cho hơn 71.000 lượt học sinh ở các trường THPT tham dự; tuyên truyền lồng ghép thông qua các câu lạc bộ (CLB), nhóm được 39 cuộc với gần 4.000 lượt người tham dự; tuyên truyền 241 cuộc trên hệ thống đài truyền thanh tại địa phương và cấp phát hơn 3.200 tài liệu nội dung về xây dựng gia đình hạnh phúc...

Đến nay, huyện Tháp Mười đã tổ chức được 26 CLB gia đình phát triển bền vững với gần 2.000 thành viên tham gia sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Qua các hình thức truyền thông đa dạng và phong phú như: diễn tiểu phẩm, tọa đàm, thảo luận nhóm,... thành viên của các CLB đã được cung cấp kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc, tình hình an ninh trật tự, cách chăm sóc giáo dục trẻ em trong gia đình, đồng thời tích cực tham gia đóng góp ý kiến và đề xuất những phương án giúp cho công tác phòng, chống BLGĐ ở địa phương đạt hiệu quả.

Ngoài ra, huyện còn thành lập 33 địa chỉ tin cậy để hỗ trợ và giúp đỡ các nạn nhân của BLGĐ. Các hoạt động thiết thực này đã góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân, hành động của xã hội và giúp Luật Phòng, chống BLGĐ ngày càng đi vào cuộc sống.

Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2011-2012 trên địa bàn xảy ra 79 trường hợp BLGĐ, có 53 trường hợp nạn nhân bị BLGĐ được ngăn chặn, giải cứu kịp thời. Trong 79 trường hợp BLGĐ phát hiện tại huyện Tháp Mười có 25 vụ bạo lực tinh thần với người già, 16 vụ bạo lực về kinh tế, còn lại 38 vụ bạo lực thể chất và tinh thần đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó có vụ bạo lực gia đình phải xử lý hình sự.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay nhận thức của một bộ phận người dân về Luật Phòng, chống BLGĐ còn hạn chế. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ", đời sống kinh tế khó khăn, tình trạng tệ nạn xã hội vẫn còn làm ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn. Thêm vào đó, một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống BLGĐ. Công tác giáo dục, thông tin, tuyên truyền còn thiếu chiều sâu; kỹ năng tư vấn, tiếp cận của một số cán bộ còn hạn chế...

Để công tác phòng, chống BLGĐ đạt kết quả cao hơn, năm 2013 mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tháp Mười sẽ thành lập thêm 1 CLB phòng, chống BLGĐ và địa chỉ tin cậy. Phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện có 39 khóm, ấp được xây dựng mô hình phòng, chống BLGĐ. Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền nội dung phòng, chống BLGĐ cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bình quân mỗi năm, huyện Tháp Mười giảm 10% số vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn