Thợ may đường phố

Cập nhật ngày: 02/10/2013 05:31:14

Trên các vỉa hè nhiều tuyến đường ở thành phố Cao Lãnh như: Nguyễn Đình Chiểu, Lê Thị Hồng Gấm, Cách Mạng Tháng Tám... người đi đường thường bắt gặp những chiếc máy may cùng một vài dụng cụ nhỏ và tấm biển ghi: Nhận sửa, nhuộm, hấp các loại quần áo. Đó là nơi mưu sinh của những người thợ sửa quần áo thuê.


Thợ sửa quần áo ở góc đường Lê Thị Hồng Gấm

Đa số họ là những người biết may nhưng không có vốn để mở tiệm hoặc vì lớn tuổi không thể đi may cho các công ty. Và để ra nghề "sửa đồ", họ chỉ cần một bàn máy may, kéo, thước... sau đó tìm một góc nào đó gần chợ hoặc lề đường có nhiều shop bán quần áo là có thể hành nghề.

Đoạn đường Lê Thị Hồng Gấm khoảng 100m (đối diện nhà lồng chợ Cao Lãnh), nhưng có trên 10 chiếc máy may. Cô Trần Mỹ Ngọc - thợ sửa quần áo thuê tâm sự: "Tôi ngồi ở góc đường này sửa đồ cũng đã hơn 3 năm. Tất cả chi tiêu gia đình: điện, nước, ăn uống, học hành của các con,... đều dựa vào chiếc máy may này. Đây là một nghề tự do nhưng thu nhập ổn định, tùy vào mức độ sửa đồ mà lấy công từ 8 - 30 ngàn đồng/cái, thu nhập hàng tháng cũng được 3 - 4 triệu đồng".

Chị Huỳnh Tuyết Mai chia sẻ: "Nghề thợ may đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì. Riêng nghề sửa quần áo cũ đòi hỏi thêm tính chịu thương chịu khó, cần mẫn và chiều ý khách. Họ muốn sao thì mình phải sửa đúng ý. Để cái áo, quần sau khi bóp lưng, bóp hông, tay... đẹp và vừa vặn, mình phải tư vấn thêm cho khách".

Gắn bó với nghề hơn 5 năm, chị Nguyễn Ngọc Giàu (thợ sửa quần áo ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu) chia sẻ: "Làm nghề này muốn thu hút và giữ được khách mình phải chỉnh sửa tỉ mỉ, đường cắt may phải đẹp, giao hàng nhanh, tính giá mềm". Nhiều năm kinh nghiệm, sửa đẹp, giá bình dân, chỗ chị Giàu đã thu hút một lượng lớn sinh viên có nhu cầu "làm mới" lại áo, quần. Chị Giàu cho biết: "Đôi khi do sơ ý bị móc quần áo làm rách vải, nếu may vá theo kiểu bình thường sẽ không đẹp nên tôi biến hóa chỗ rách thành hình thêu với kiểu dáng, đường chỉ hợp với màu áo nên họ rất thích".

Theo chị Lê Ngọc Diệu (thợ sửa đồ trên đường Phạm Hữu Lầu): "Nghề này có việc làm quanh năm, nếu làm ở gần chợ hoặc nơi tập trung đông sinh viên, công nhân sẽ đắt khách, bởi đây là đối tượng có nhu cầu sửa quần áo cũ nhiều. Mỗi lần sửa đồ cho khách hàng trung bình mình thu tiền công 15.000 đồng, nhưng một ngày có 10 người sửa thì thu nhập cũng tạm ổn".

Nghề sửa quần áo đường phố tốn ít vốn, lấy công làm lời đã giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn (không đất canh tác, không vốn và mặt bằng kinh doanh) ổn định thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, làm việc trên vỉa hè (lấn chiếm hè phố) là vi phạm trật tự và mỹ quan đường phố. Chị Giàu (thợ sửa đồ ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu) nói: "Dẫu biết lấn chiếm hè phố là sai, nhưng vì phải kiếm sống nên tôi cố gắng bày biện gọn gàng, không làm ảnh hưởng tới tầm nhìn của phương tiện qua lại cũng như mỹ quan đường phố".

Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần đề ra những giải pháp phù hợp, sao cho vừa đảm bảo mỹ quan đường phố vừa tạo điều kiện cho những người thợ này tiếp tục công việc, đảm bảo kinh tế gia đình.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn