Tín hiệu tích cực từ tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai ở thị trấn Tràm Chim
Cập nhật ngày: 17/12/2012 04:41:43
Tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai (PTTT) là một kênh phân phối trung gian giữa miễn phí và thị trường thương mại, tạo sự chuyển đổi hành vi của khách hàng từ sử dụng PTTT miễn phí sang sử dụng các PTTT có giá trị thương mại để phòng, tránh mang thai ngoài ý muốn phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản và HIV/AIDS.
Trong chương trình DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2020, thị phần các PTTT miễn phí hàng năm giảm dần. Từ năm 2012, không có PTTT từ nguồn viện trợ mà chỉ được cung cấp từ nguồn ngân sách trong nước, do vậy đối tượng ưu tiên cấp PTTT miễn phí chỉ là người trong hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc diện chính sách, đối tượng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Thị trấn Tràm Chim là địa bàn trung tâm của huyện Tam Nông, những năm qua, đối tượng sử dụng BPTT trên địa bàn chủ yếu là nguồn cung cấp miễn phí từ hệ thống DS-KHHGĐ và một số ít đối tượng sử dụng được cung cấp từ thị trường tự do. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai của địa bàn là 78,9%; tổng số người sử dụng PTTT mới là 1.511 người; cấp PTTT miễn phí 786 người, chiếm tỷ lệ hơn 50%.
Xác định mục tiêu tiếp thị xã hội là không phát quá 67% thuốc viên cho đối tượng sử dụng bao cao su chỉ cấp cho hộ nghèo và cận nghèo. Do đó, chỉ tiêu mà địa phương đề ra là đáp ứng 15% nhu cầu bao cao su, 30% nhu cầu thuốc viên tránh thai và tiếp thị xã hội 90 viên tránh thai khẩn cấp. Ban chuyên trách công tác DS-KHHGĐ của thị trấn đã triển khai cho 13 cộng tác viên dân số rải đều đến 5 khóm trên địa bàn để thực hiện công tác này từ tháng 7/2012.
“Với việc đến từng hộ gia đình trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, Ban đầu khi đến để tiếp thị, nhiều hộ không hưởng ứng vì phải bỏ tiền ra mua mỗi vỉ thuốc tránh thai là 3.000 đồng, mỗi bao cao su là 400 đồng (thay vì trước kia là phân phát miễn phí) nên gặp khó khăn” - chị Nguyễn Kim Thảo - cộng tác viên dân số của khóm 4, thị trấn Tràm Chim chia sẻ.
Vấn đề này, chị Ngô Thị Mai Kiều - phụ trách khu vực khóm 5 cho biết thêm, tuy khó vận động, nhưng thường xuyên tới tuyên truyền và tư vấn cụ thể chương trình, nên nhiều hộ đã hưởng ứng và bỏ tiền ra để mua.
Thông qua việc tăng cường tư vấn, người dân ở các khóm đã thông hiểu nên từ tháng thứ 2 triển khai chương trình, kết quả tiếp thị phương pháp tránh thai ở địa bàn đạt khả quan, thời điểm cao nhất đã lên đến 600 bao cao su và hơn 200 vỉ thuốc tránh thai. Qua công tác truyền thông tư vấn cộng đồng, tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm, các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp cho phần lớn cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản nắm được cơ cấu các BPTT hiện đại và chấp nhận áp dụng cho mình. Từ cuối tháng 7/2012 đến nay, đối tượng được tiếp thị đã đạt 15% đối với bao cao su và 30% đối với viên tránh thai theo yêu cầu đề ra, qua đó dẫn đầu các địa phương trong huyện về kết quả tiếp thị xã hội.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Huyên - cán bộ chuyên trách công tác DS-KHHGĐ thị trấn Tràm Chim cho biết, để triển khai và thực hiện tốt chương trình tiếp thị xã hội các PTTT, thời gian tới ngành y tế thị trấn sẽ chỉ đạo cán bộ chuyên trách và cộng tác viên ngành dân số tăng cường công tác tuyên truyền vận động cho người dân thay đổi thái độ hành vi và chấp nhận chi trả khi sử dụng PTTT. Đồng thời, đề nghị ngành chức năng hỗ trợ thêm hoa hồng cho các cộng tác viên, giúp các chị có chi phí để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Hoàn Quân