Vì sao người thuộc hộ cận nghèo “thờ ơ” với bảo hiểm y tế?

Cập nhật ngày: 19/06/2013 04:22:21

Trong bối cảnh giá cả dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tăng cao thì việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giải pháp an toàn để người dân có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, dù đã được Nhà nước hỗ trợ khá cao (70% giá trị thẻ) nhưng trên 80% người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn “thờ ơ” với chính sách ưu việt này. Nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT cho đối tượng trên đang là bài toán đặt ra cho các địa phương trong tỉnh.

Trên 80% người thuộc hộ cận nghèo chưa tham gia BHYT

Xã Gáo Giồng, một trong những xã có tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT thấp nhất huyện Cao Lãnh. Toàn xã có hơn 800 người cận nghèo, nhưng chỉ có 87 người mua BHYT.


Hầu hết người cận nghèo khi bị bệnh mới thấy hết giá trị của BHYT

Ông Bùi Văn On (67 tuổi) ở ấp 5, xã Gáo Giồng thuộc hộ cận nghèo, vợ ông On thường xuyên ốm đau. Biết BHYT khá quan trọng đối với hoàn cảnh của mình nhưng ông vẫn không có điều kiện mua BHYT. “Vợ chồng tôi già yếu, không còn sức khỏe lao động. Dù biết Nhà nước hỗ trợ 70% nhưng thu nhập quá thấp, lo chạy ăn từng bữa chưa xong thì tiền đâu mua BHYT” - ông On thổ lộ.

Còn đối với chị Trần Cẩm Dức ở ấp 3, xã Tân Hội Trung, lý do không “mặn mà” với BHYT rất đơn giản: “Không có tiền”. Với lại các thành viên trong gia đình còn khỏe mạnh, mua BHYT cho 3 người phải “đứt” gần 500 ngàn đồng. Nên “trời kêu ai nấy dạ”, khi nào bệnh tôi mới tính đến chuyện mua BHYT”- chị Dức nói.

Không chỉ xã Gáo Giồng, Tân Hội Trung mà nhiều địa phương khác của huyện Cao Lãnh cũng rơi vào cảnh tương tự. Đến tháng 5/2013, toàn huyện có gần 19.000 người cận nghèo, nhưng chỉ có hơn 2.000 người mua BHYT (chiếm 11,8%). Còn tại huyện Tháp Mười tình hình cũng chẳng khá hơn. Đến tháng 3/2013, địa phương này chỉ có 10,96% người cận nghèo tham gia BHYT trên tổng số 6.571 người. Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh có gần 119.000 người cận nghèo. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2013, tham gia BHYT chỉ có 23.010 người, chiếm 19,39%.

Bà Lê Kim Bon - cộng tác viên đại lý thu BHYT xã Tân Hội Trung, cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với trưởng ấp và các hội đoàn thể địa phương để tuyên truyền cho người dân, nhưng tỷ lệ tham gia BHYT trong người cận nghèo vẫn còn rất thấp”. Theo ông Lâm Văn Thanh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Cao Lãnh: Nguyên nhân là do người thuộc hộ cận nghèo lo làm ăn, chưa quan tâm tới sức khỏe; kinh tế quá khó khăn; bỏ địa phương đi làm ăn xa.

Khảo sát ở một số địa phương, người cận nghèo “thờ ơ” với BHYT còn do số ít người ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một phần còn “mù” thông tin về BHYT; có người lại có tâm lý “bệnh trước, mua sau”... Một thực tế khác khiến người dân chưa “mặn mà” với BHYT là họ chưa thể hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh hiện nay và thái độ phục vụ của một số y, bác sĩ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, nguyên nhân chính vẫn là do các hộ cận nghèo còn quá khó khăn về kinh tế. Đồng tình với vấn đề này, bà Chung Thị Thu Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Hiện nay, theo chuẩn cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, người thuộc hộ cận nghèo ở nông thôn có thu nhập bình quân hàng tháng từ 401.000 - 520.000 đồng và hộ cận nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 501.000 - 650.000 đồng. Tính ra, trừ 70% phí hỗ trợ, họ phải đóng hơn 170.000 đồng mới được sở hữu tấm thẻ BHYT. Đối với một hộ cận nghèo có 4 người, phải tốn gần 600.000 đồng. Số tiền này quá sức so với thu nhập của họ.

Để chính sách BHYT đến với người cận nghèo

Với mức hỗ trợ 70%, thì với gần 119.000 người cận nghèo của tỉnh, mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ phải chi hơn 40 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho họ. Trong khi Nhà nước dành một khoản tiền lớn để hỗ trợ nhưng số người tham gia lại quá thấp, vì thế chính sách của Nhà nước không đến được người dân.

Việc đối tượng cận nghèo còn “thờ ơ” với BHYT đang gây khó khăn không chỉ cho chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện BHYT toàn dân. Bà Chung Thị Thu Hà cho rằng: “Để giải bài toán nói trên, cùng với nỗ lực của ngành BHXH, các ban, ngành, đoàn thể liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc đóng BHYT cũng như quyền lợi mà bà con được thụ hưởng; phối hợp tốt hơn nữa với ngành y tế, đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người có thẻ thuộc hộ cận nghèo; tăng cường công tác tập huấn, trang bị kiến thức về BHYT, kỹ năng vận động cho lực lượng cộng tác viên đại lý thu BHYT...”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 705/QĐ-TTg về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Theo đó, người thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo từ ngày 1/1/2013 thì được hỗ trợ 100%, thời gian hỗ trợ 5 năm. UBND tỉnh cũng đã có Công văn đồng ý hỗ trợ thêm kinh phí cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo mua BHYT. Tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho người cận nghèo từ ngân sách địa phương, với mức 30% trên mức đóng đối với đối tượng thuộc các xã biên giới, 10% trên mức đóng đối với đối tượng thuộc các xã, phường, thị trấn còn lại.

Với nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương cũng như UBND tỉnh, hy vọng tình hình tham gia BHYT của người thuộc hộ cận nghèo trong tỉnh thời gian tới sẽ được cải thiện.

Nhựt An

Hộ cận nghèo tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh thông thường được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh (phải chi trả 20%). Đối với sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn sẽ được hưởng 80% chi phí nhưng tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, khi toàn bộ các thành viên trong hộ cận nghèo tham gia BHYT, mức đóng sẽ được giảm trừ dần theo tỷ lệ %. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt được giảm 10% so với mức đóng người thứ nhất.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn